Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Nanh trắng - Chương 5 : Các thượng đế - Jack London

Thông tin truyện

Nanh trắng Chương 5 : Các Thượng đế
Tác giả : Jack London
Quốc gia : Anh Thể loại : Văn học nước ngoài Số tập : 1  Người dịch :  đang cập nhật
Đọc truyện

Serve 1

Bữa đó sói con chưa tỉnh ngủ hẳn chăng? Hay vì mắt còn kèm nhèm không nhìn rõ? Dù sao sự thể vẫn là: lúc đi xuống lối mòn dẫn tới dòng thác để uống nước, sói con bất ngờ chạm trán với con người. Năm người chứ không ít.  Sói con chưa thấy người bao giờ. Khi ngửi thấy mùi lạ, thì đã quá muộn. Nó quẩn ngay vào chân họ, và ngạc nhiên đến nỗi đứng đờ ra không động dậy được nữa. Nhưng vẫn hiểu lơ mơ: nó đang đối mặt với những kẻ thù ác nghiệt nhất của muôn loài trong rừng rậm, những kẻ thống trị tất cả, đánh thắng tất cả vì lắm mưu nhiều kế và rất mạnh, rất thông minh. Quá khiếp hãi nên sói ta tê liệt, nằm bẹp gí dưới đất không nhúc nhích.  Một người Anh-điêng tới gần, cúi nhìn. Sói con dựng hết lông, nhăn mép để lộ hai hàm răng sắc. Người đó vẫn thản nhiên:  - Chà chà! Nhe nanh ra dọa tớ hử? Một bàn tay đưa tới gần con vật.  Nó đớp luôn.  Ngay lập tức, đòn đánh trả giáng xuống rất mạnh, hất nó ngã nghiêng. Tinh thần dũng cảm tiêu tan, ý chí chiến đấu biến mất. Nó khẽ kêu vài tiếng, ngồi dậy.  Người kia giáng thêm đòn nữa, sói con càng rên to. Năm người Anh-điêng xúm xít vây quanh con sói. Họ cười khanh khách, làm đủ trò chế giễu nó.  Bỗng từ trong rừng có tiếng động khiến tốp người quay lại nhìn. Sói con dỏng tai và nhận ngay ra tiếng động lạ đó. Nó hết rên, kêu lên một tiếng mừng rỡ rồi im bặt ngồi chờ sói mẹ tới giải thoát.  Sói mẹ xông thẳng vào giữa toán người, vẻ rất oai hùng, trông khác hẳn mọi khi. Sói con nhảy tới bên mẹ nó, tốp Anh-điêng vội lùi ra. Sói mẹ chững chạc đứng trước mặt họ, từ cổ họng phát ra tiếng gừ trầm đục dữ tợn.  Tốp người lại lùi thêm bước nữa. Bỗng một người trong bọn bước tới, gọi: - Kiche! Con sói cái hình như dịu hẳn.  Người kia nhắc lại lần nữa, giọng cứng cỏi hơn: - Kiche! Sói con kinh ngạc thấy mẹ nó gần như bò rạp dưới đất tiến về phía người đó, và chịu để anh ta đặt tay lên đầu. Những người khác cũng bước lên, sờ vào người sói cái. Sói cái nằm im, ve vẩy đuôi. Sói con tới nằm bên sói mẹ và cũng được nhận phần vuốt ve dành cho nó.  Một người Anh-điêng nói:  - Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Mẹ con Kiche này là chó nhà còn bố nó là chó sói.  - Rái-cá-Xám còn nhớ chứ. Con Kiche bỏ đi khỏi trại chúng mình đã hơn một năm rồi!  - Chắc nó ở với lũ sói suốt năm qua. Người thứ ba xen vào. Rái-cá-Xám lại vuốt ve sói con lúc này đã hoàn toàn thuần phục. Anh nói:  - Bố của nhóc này là sói, mẹ nó là con Kiche. Nó vừa là chó nhà vừa là chó sói. Mình sẽ nuôi nó. Từ hôm nay nó là của mình. Đặt tên nó là Nanh Trắng.  Thế là bản thỏa hiệp đã kí kết xong, hòa bình được xác lập. Người và vật sẽ sống với nhau trong tình bạn.  Lát sau, Nanh Trắng thấy nhiều người Anh điêng nữa leo lên lối mòn. Có đàn bà, đàn ông, trẻ con, người nào cũng gùi nặng. Rất nhiều chó đi theo họ, trên lưng cũng cõng đồ buộc thành gói.  - Ồ!... Nanh Trắng nghĩ bụng... Có rất nhiều những con vật đồng loại với mình!  Đàn chó của người Anh-điêng ngạc nhiên khi thấy Nanh Trắng và mẹ nó. Chúng lao tới và chắc sẽ xé hai mẹ con ra từng mảnh nếu mọi người không đổ xô tới cứu. Họ vung gậy dẹp tan đàn chó, giải thoát hai mẹ con Kiche và Nanh Trắng vừa rồi đã chống cự rất dũng cảm.  Sói con tiếp tục tập cách sống trong thế giới đầy cạm bẫy ngày càng phức tạp này. Tuy trong bộ não nó không có chỗ cho khái niệm công bằng nhưng nó cảm nhận theo cách của nó sự công bằng của con người, những sinh vật định ra và áp đặt luật lệ của họ. Chỉ có cái cách thi hành luật của họ là kỳ cục. Khác hẳn các sinh vật khác nó đã gặp, con người không cắn nhau, không cấu xé nhau. Họ thực thi luật qua trung gian những vật chết: gậy gộc, đá hòn đá cục. Sói con cho rằng để làm được như vậy họ phải có một quyền lực khác thường, vượt quá giới hạn của tạo hóa, chắc do một vị thần linh ban cho.  Sói con nghĩ tới lần tiếp xúc đầu tiên với những con vật độc ác được coi là anh em ruột thịt với nó. Qua suy nghĩ, Nanh Trắng khám phá ra rằng có những sinh vật cùng giống loài với nó, và nó thấy thật không công bằng khi chúng xông vào đánh hai mẹ con.  Nó cũng buồn khi thấy con người buộc mẹ nó vào một cây gậy. Như vậy là phải làm nô lệ, điều xưa nay Nanh Trắng không quen. Té ra quyền tự do chạy nhảy, săn đuổi, nằm ngủ bất cứ chỗ nào thích nằm đã bị thay thế bằng sự cầm tù.  Nó cũng không hài lòng chuyện Kiche bị một người thòng dây vào cổ dẫn đi theo khi đoàn Anh-điêng di chuyển chỗ cắm trại. Nanh Trắng bám theo sau mẹ nó, trong lòng đầy thắc mắc, bất an trước sự việc mới mẻ này.  Đoàn Anh-điêng đi xuôi theo triền thung lũng tới nơi dòng thác đổ vào sông Mackenzie. Họ gác xuồng lên cọc chổng mũi lên trời, rồi cắm trại.  Nanh Trắng càng thấy rõ quyền lực tối thượng của con người. Họ có thể buộc những vật đứng im phải chuyển động, do đó họ có thể biển đổi bộ mặt của thế giới. Nó ngạc nhiên nhìn những người Anh-điêng cắm sào xuống đất rồi phủ những tấm vải rộng lên trên. Lều phập phồng trong gió làm nó sợ. Lúc đầu nó tưởng đây là những con quái vật, sau nhiều ngày mới quen mắt. Đàn ông, đàn bà, cả bọn trẻ con cũng được vào trong đó, nhưng chó thì bị họ ném đá đuổi kỳ được mới thôi.  Có bữa Nanh Trắng lảng vảng quanh mấy căn lều, ngửi cái mùi lạ lạ của chúng, thử nhay vài miếng, dứt mạnh vài lần. Suýt nữa nó làm đổ một cái lều, may mà có người tới đỡ nên tránh được tai họa. Sau bữa đó nó chẳng thiết để ý tới những chiếc lều vải làm gì.  Nanh Trắng tiếp tục cuộc sống nhỏ nhoi yên ả trong trại, sướng hơn sói mẹ luôn bị sợi dây da buộc chặt một chỗ.  Nhưng thanh bình yên ả có bao giờ kéo dài mãi được! Một bữa kia, Nanh Trắng chạm trán con chó dạng sói còn ít tuổi được đặt tên là con Lip Lip. Con này tỏ ra hiếu chiến, nhe ngay răng ra rồi lượn quanh người Nanh Trắng.  Định đùa chăng?! Bất thình lình, con Lip Lip chồm lên cắn giữa vai, đúng chỗ con linh miêu hồi trước đã cắn. Nanh Trắng tức điên lên chụp cổ Lip Lip cắn trả. Nhưng Lip Lip to khỏe hơn nó nên chỉ sau ít phút Nanh Trắng đã đỏ máu cúp đuôi chạy về nấp bên sói mẹ.  Sau trận đó còn nổ ra nhiều trận đẫm máu khác.  Sói xám vẫn rất tò mò nên mỗi ngày lại học thêm nhiều điều mới lạ. Thấy Rái-cá-Xám ngồi xổm dưới đất xếp đặt mấy que củi và dúm rêu khô, nó xán tới cọ người vào Rái-cá-Xám. Bỗng nó thấy từ tay người Anh-điêng bốc lên một làn mây rất mảnh tựa sương mù rồi một cái lưỡi đỏ sáng như ánh nắng thập thò ló ra. Nanh Trắng chưa trông thấy lửa hồi nào. Thấy ngọn lửa sinh động quá nó tới gần, thò mõm thử chơi. Nó giật mình nhảy dựng ra sau rú lên đau đớn trong khi Rái-cá-Xám cười như nắc nẻ, gọi các bạn tới thuật lại câu chuyện. Nanh Trắng rất đau, nằm rên hừ hừ, tiếng rên hòa lẫn tiếng thở than của sói mẹ đang muốn tới giúp con mà không được. Sói xám càng rên rỉ, bọn người Anh-điêng càng cười to. Thứ âm thanh ầm ĩ lạ tai ấy làm Nanh Trắng bực mình. Nó xấu hổ, cúi gằm mặt lảng xa bọn họ, tới nằm bên sói mẹ. Sói mẹ âu yếm liếm khắp người sói con. Cuộc sống với người Anh-điêng dĩ nhiên có nhiều cái tốt nhưng cũng có những mặt xấu.  Hoàng hôn về. Đêm ập xuống rất nhanh. Nanh Trắng nằm bên sói mẹ, mấy vết bỏng trên mũi trên lưỡi vẫn đang hành nó nhưng nó rầu rĩ về chuyện khác quan trọng hơn. Nó tiếc những ngày qua, chiếc hang, những vách núi dựng đứng, những cuộc săn mồi, tiếc nhất không khí thanh bình của một vùng thiên nhiên biết tôn trọng yên tĩnh. Không như ở đây, mọi cái đều di chuyển, đều ồn ào. Những người Anh-điêng này không lúc nào ngừng đi lại, nói năng, gào thét. Ngay bầu không khí cũng sống động trong tiếng rì rầm ong ong không ngớt với cường độ thay đổi bất chừng tung ra những âm thanh khác lạ xoáy vào thần kinh làm sói con bực bội. Nó luôn bị căng thẳng, lo lắng và vô cùng mệt mỏi, lúc nào cũng nơm nớp sợ sắp xảy ra một tai họa. Làn gió nhẹ đung đưa vòm cây, nước chảy róc rách dưới lớp băng, đàn chim lặng lẽ sải cánh trên trời cao… tất cả giờ đây đã biến thành tiếng ồn ào huyên náo không dứt.  Nanh Trắng nhìn con người với vẻ kính nể. Đối với nó, họ là những sinh vật mạnh mẽ, bề trên, nắm trong tay những quyền uy bí ẩn. Họ làm chủ tất cả những thứ có và không có sự sống, buộc được tất cả những thứ biết cử động phải phục tùng, họ làm cho rêu và gỗ phải bật ra ngọn lửa của mặt trời. Họ làm ra lửa! Họ là những vị thần!  Trong khi sói mẹ bị buộc chặt vào chiếc cọc, Nanh Trắng được tự do chạy nhảy trong trại. Nó tha hồ quan sát con người và biết rõ mọi thói quen của họ. Dần dà nó đâm ghét các ông chủ, đồng thời ngày càng khiếp sợ sức mạnh kỳ lạ của họ. Nó nhớ lại thái độ phục tùng của sói mẹ khi vừa nghe gọi đến tên. Mẹ nó đã lập tức tuân lệnh, chấp nhận thân phận nô lệ. Nó làm gì khác được, ngoài việc noi gương sói mẹ, khi người gọi thì chạy tới, khi bị đuổi thì chạy đi, khi bị đe dọa hoặc mắng mỏ thì thu mình lại cho thật nhỏ bé, thật tầm thường. Nó thuộc quyền sở hữu của con người, chẳng khác mẹ nó và các con vật khác trong trại. Thân thể và mọi hoạt động của nó đều thuộc về họ. Nó nhanh chóng thuộc lòng bài học này, tuy không vì dễ thuộc mà bài học bớt phần đau xót cho con vật đã từng phát triển một sức mạnh độc lập từ hồi được sống trong thế giới riêng của nó. Tuy nhiên, trong khi sói con thấy căm ghét hoàn cảnh mới của mình thì đồng thời và vô ý thức nó cũng học được cách hiểu và yêu cuộc sống này. Bởi lẽ nỗi lo cho thân phận nó đã được trao vào tay người khác, coi như những trách nhiệm trong cuộc sống đã có nơi dựa dẫm. Có thể coi đây là sự bù trừ, vì khi sống có điểm tựa vào một cuộc sống khác bao giờ cũng dễ dàng hơn sống cô độc.  Mặc dù vậy, sói con vẫn không thể dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh mới hay nói đúng hơn là nó vừa chấp nhận vừa chống đối. Trong lòng nó luôn văng vẳng tiếng nói xa xăm gọi nó về với những khu rừng tuyệt vời tuyết phủ, những con sông, những dòng thác đóng băng.  Sói con tha thẩn quanh khu trại, đôi lần nó đã định trốn đi, trở về với cuộc sống lang thang thuở đầu đời. Khốn nỗi Kiche mẹ nó vẫn phải ở lại đây, xích chặt vào cây cọc. Không, nó không thể rời xa mẹ nó. Sói con trở vào trại, tới kiếm mẹ nó, cọ mình vào bộ lông ấm áp của mẹ rồi liếm lên mõm sói mẹ.  Nanh Trắng không ưa bọn chó nhà tham ăn và độc ác nhưng nó chỉ tìm cách lẩn tránh chúng. Nó cũng đã nhận biết: đàn ông công bằng hơn, bọn trẻ con tàn nhẫn hơn còn các bà thì dịu dàng hơn và sẵn lòng ném cho nó một miếng thịt hơn những kẻ kia.  Tuy vậy cuộc sống của sói con trong trại có một tai họa: con Lip Lip. Lip Lip lớn tuổi hơn, to con hơn, khỏe hơn và dày dạn trận mạc hơn Nanh Trắng. Mỗi khi có dịp nó đều bám theo sói con, gầm gừ, sủa luôn mồm, chờ thời cơ tấn công. Nanh Trắng tự vệ rất dũng cảm nhưng không đủ sức đánh bại địch thủ. Lip Lip cao tay hơn, trở thành cơn ác mộng hãi hùng của sói con. Cứ hễ vừa rời xa sói mẹ vài bước là thể nào cũng đụng đầu tên khốn kiếp lao tới khiêu chiến. Mà trận nào Lip Lip cũng thắng. Nanh Trắng tuy liên tục bại trận nhưng nó nhất định không đầu hàng. Nó không khuất phục, trái lại càng dũng cảm đương đầu. Nhưng những cực hình phải chịu đựng không dứt đã ảnh hưởng tai hại đến tính tình nó. Nanh Trắng trở nên hung ác, thủ đoạn, nham hiểm. Bị tước đoạt mất nhiều niềm vui tuổi ấu thơ, nó già trước tuổi, co mình lại, suy nghĩ rất nhiều. Nó không nghĩ tới gì khác ngoài việc tìm cách trả thù kẻ hành hạ nó. Bị Lip Lip nhiều lần nẫng mất phần thịt cá khi chủ phân phát suất ăn, Nanh Trắng sinh ra thói ăn cắp vặt, nghĩ ra cách đột nhập vào lều vải rất bí mật mà không bị phát hiện. Nó trở thành một đe dọa thực sự cho các phụ nữ Anh-điêng, nhiều lần bị họ ném đá bươu đầu sứt trán.  Trí thông minh ngày càng phát triển, nó học theo cách sói mẹ đưa lũ chó vào bẫy để đối phó với con Lip Lip. Một bữa kia, trong lúc đang ẩu đả với địch thủ, nó lùi dần, dụ đối phương theo vào giữa các túp lều. Con Lip Lip đang hăng máu nên không đề phòng, hồng hộc đuổi theo nó, chẳng cần biết mình đang ở chỗ nào. Nanh Trắng thoắt ẩn thoắt hiện rất khôn khéo cho tới lúc Lip Lip vừa đuổi theo nó qua một khúc ngoặt thì rơi đúng vào chân Kiche. Sói mẹ vồ ngay lấy, quật con Lip Lip ngã sóng soài, đè lên người nó cắn xé tơi bời. Khi thoát ra được, tình trạng Lip Lip vô cùng tồi tệ: máu tuôn xối xả từ nhiều vết thương, nhiều mảng lớn thịt rách lủng lẳng bên mình. Nó gào lên thê thảm vì tức giận và đau đớn. Nhưng cực hình vẫn chưa buông tha nó. Nanh Trắng lợi dụng lúc địch thủ đang hốt hoảng len lén tới gần đớp một miếng vào mông. Lip Lip không dám chống cự, nhục nhã bỏ chạy thục mạng trước kẻ đã từng cúi đầu chịu để nó làm tình làm tội bấy lâu.  Các ông chủ Anh-điêng cho rằng Kiche đã lại quen với cuộc sống trong trại nên họ thả ra. Nó liền theo Nanh Trắng đi tham quan các vùng lân cận lâu nay chưa có dịp lui tới. Nanh Trắng định đưa sói mẹ đi xa khu lều vải nhưng Kiche không chịu, buồn bã ngồi xuống trong khi sói con nhảy tưng tưng quanh mình, liếm mũi mẹ nó. Tuồng như sói con muốn nói:  - Đi thôi, mẹ ơi! Thời cơ rất tốt, mẹ con mình trốn đi!  - Không... Sói mẹ đáp... Mẹ không rời xa người lần nữa đâu. Mẹ muốn phục vụ họ. Giờ đây niềm vui của mẹ là cùng chia sẻ cuộc sống với người, dù cuộc sống đó hay dở thế nào mặc lòng.  Nanh Trắng hoàn toàn có thể bỏ trốn một mình, trở về với cuộc đời lang bạt nó đã sống ngay từ khi lọt lòng mẹ, nhưng tình yêu mẹ giữ chân nó ở lại. Hương rừng quyến rũ nó. Thể xác và tâm hồn cuồng nhiệt của nó đều hướng về rừng, nhưng tình yêu mẹ còn mãnh liệt hơn nhiều. Không đời nào nó tự ý rời xa sói mẹ. Nanh Trắng buồn bã trở lại trại, đầu cúi gằm, miệng không ngừng thốt ra những tiếng thở than khe khẽ.  Ở Wild, thời gian mẹ ở gần các con không dài. Dưới sự thống trị của con người, thời gian đó lại càng rút ngắn. Vì thế đã tới lúc Nanh Trắng phải rời xa sói mẹ. Rái-cá-Xám quyết định bán con Kiche cho Ba Phượng hoàng. Anh này đang chuẩn bị đi thăm thú vùng sông Mackenzie và hồ Nô Lệ. Nanh Trắng định đi theo sói mẹ, nhưng mấy ngọn roi cháy lưng cho nó thấy rõ điều khoản này không có trong hợp đồng. Nó lao xuống nước định bám vào chiếc xuồng chở người nó yêu quí hơn tất cả mọi thứ trên đời, nhưng một chiếc xuồng khác đuổi kịp lôi nó lên. Sói con bị đánh đập rất dã man, hai bên sườn theo nhau hứng đòn. Người đánh rất nặng tay, mỗi đòn đều có thể gây thương tật. Đầu óc Nanh Trắng rối tung, lẫn lộn. Từ kinh ngạc chuyển sang khiếp sợ, rồi từ khiếp sợ chuyển thành căm phẫn. Nó nhe nanh, gầm gừ, nhưng chỉ tổ làm cho người đánh nó càng ra đòn dữ dằn hơn. Cuối cùng Nanh Trắng chịu phép im mồm, lúc ấy Rái-cá-Xám mới nguôi giận. Sói chịu khuất phục. Sau đá ném, gậy quăng, giờ đây đến lượt bàn tay con người trực tiếp đánh lên mình nó. Nghĩ tủi phận nó nằm khóc thầm cho nỗi bất hạnh của mình.  Rái-cá-Xám thẳng tay ném Nanh Trắng xuống lòng chiếc thuyền độc mộc đang trôi theo dòng nước. Anh ta bước tới định lấy bơi chèo. Thấy Nanh Trắng nằm vướng lối đi, anh chàng Anh-điêng co cẳng đá nó một đá cực mạnh. Bản tính tự do của Nanh Trắng một lần nữa nổi khùng, nó ngoạm thủng chiếc giày da mộc, cắm những chiếc nanh nhọn hoắt vào bàn chân Rái-cá-Xám. Hành động này mang về cho nó sự trừng phạt nặng nề nhất từ trước tới giờ. Cơn giận của Rái-cá-Xám cũng ghê gớm không kém nỗi khiếp đảm của sói con. Không chỉ bàn tay mà cả chiếc bơi chèo gỗ cũng được sử dụng. Sau khi đánh đã chán tay Rái-cá-Xám vứt Nanh Trắng xuống lòng thuyền, thân hình bé nhỏ của sói con đã nhừ đòn tan xác. Vậy mà vẫn chưa được buông tha, vẫn bị anh chàng Anh-điêng này tiếp tục đá, đạp liên hồi kỳ trận. Nanh Trắng đã thấm thía bài học nhớ đời nên không phản công lại. Nó đã hiểu: dù gặp tình thế nào cũng không được phép cắn lại vị thượng đế là chủ nhân, là chúa tể của mình. Thân thể con người là thứ thiêng liêng, dùng răng cắn vào đó là sự xúc phạm không thể tha thứ, là tội ác của mọi tội ác.  Thuyền vào tới bờ, Nanh Trắng vẫn nằm bẹp gí, bất động, rên xiết, chờ lệnh chủ. Lệnh của Rái-cá-Xám thể hiện bằng việc anh ta nhấc con sói lên và không nương tay quẳng xuống đất. Nanh Trắng run cầm cập cố lết đi. Địch thủ Lip Lip từ nãy vẫn đứng trên bờ theo dõi từ đầu đến cuối, lúc này thấy sói con đã kiệt sức bèn lập tức xông tới, cắm răng vào da thịt bầm dập của con vật đáng thương. Nanh Trắng hết đường chống cự, cầm chắc cái chết nếu Rái-cá-Xám không tới đá Lip Lip một đá bắn tung ra xa. Công lí của con người thể hiện như vậy đó. Cho dù đang trong tình trạng vô cùng bi đát nhưng sói con vẫn thấy lòng hơi rung động biết ơn. Nó ngoan ngoãn bám theo Rái-cá-Xám, cà nhắc lết qua trại tới lều của ông chủ.  Đêm hôm đó, trong khi người người đều yên giấc, một mình Nanh Trắng bồi hồi nghĩ tới sói mẹ và cảm thấy đau khổ vô cùng. Nó đau khổ hơi lớn tiếng làm Rái-cá-Xám thức giấc, anh ta bực mình nện nó mấy đòn. Từ đó sói con rút kinh nghiệm, lúc nào thấy thượng đế có thể nghe rõ, nó chỉ dám khóc thầm. Nhưng những khi một mình lững thững trong rừng, nó tha hồ bộc lộ nỗi buồn, gào lên thật to cho hả. Trong thời kỳ sau đó, nhờ vẫn được sống tương đối tự do, rất có thể nó không cưỡng lại được sức lôi cuốn của kí ức về chiếc hang, của dòng thác và tìm đường quay trở lại Wild. Nhưng những kỉ niệm về sói mẹ vẫn mạnh hơn. Thấy các ông chủ thường đi săn xa trại nhưng sau đó lại trở về, nó hi vọng sẽ có ngày mẹ nó quay lại.  Nanh Trắng sống cuộc đời nô lệ nhưng sự lệ thuộc này không chỉ mang lại toàn đau khổ. Sói con vẫn giữ nguyên tính tò mò không mỏi mệt của nó nên luôn luôn khám phá thêm những điều mới lạ. Mỗi ngày đều có những sự kiện bất ngờ, hoạt động của con người không lúc nào ngưng. Sói con cũng đã hiểu cần phải ăn ở với Rái-cá-Xám như thế nào: phục tùng và tuyệt đối vâng lời. Thỉnh thoảng được chủ cho miếng thịt, nó đánh giá cử chỉ này quan trọng hơn rất nhiều so với cử chỉ của các bà cho nó thức ăn. Rái-cá-Xám không bao giờ vuốt ve nó, vậy mà nó vẫn càng ngày càng thấy gắn bó chặt chẽ hơn với vị thượng đế này. Điều duy nhất khiến nó rầu rĩ không nguôi là sự thiếu vắng sói mẹ Kiche và nỗi khát khao tìm lại cuộc sống tự do của kiếp thợ săn vùng Wild.  Con Lip Lip vẫn chưa thôi quấy đảo Nanh Trắng. Do đó sói con càng trở nên độc ác, hung dữ. Thậm chí nó còn bị tất cả mọi người Anhđiêng trong trại coi là phần tử bất hảo đáng ghét. Mỗi khi ở đâu đó xảy ra lộn xộn, náo loạn, có tiếng la hét, đánh lộn hoặc có bà nào phàn nàn bị mất trộm miếng thịt là y như rằng Nanh Trắng có liên can. Các ông chủ không tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tính cách của Nanh Trắng, họ chỉ nhìn thấy hậu quả, những hậu quả rất tai hại. Ai cũng cho Nanh Trắng là tên kẻ cắp gian ngoan, tên vô đạo chuyên nghĩ cách gây tội lỗi. Đáp lại Nanh Trắng nhìn con người bằng đôi mắt ranh mãnh, luôn nhấp nhổm sẵn sàng chuồn dưới trận mưa sỏi đá, dưới cơn lũ nguyền rủa của các bà phụ nữ nổi cơn lôi đình. Vì thế nó bị mất tư cách thành viên của trại. Toàn thể bọn chó đối xử với nó theo gương con Lip Lip, hùa theo con này để hành hạ nó. Có lẽ chúng cảm nhận được sự khác biệt về gốc gác ngăn cách Nanh Trắng với bọn chúng và không cưỡng lại được mối hận thù bản năng của chó nhà đối với chó sói. Chúng thi nhau rượt đuổi Nanh Trắng tuy chẳng con nào thoát khỏi ăn đòn vì sói con. giờ đây đã biết cách cho nhiều hơn nhận. Một chọi một thì nó luôn giành phần thắng. Địch thủ của nó thường không chấp nhận kiểu giao chiến này. Khi con sói xông vào đánh một con cũng tức là phát ra tín hiệu kéo cả đàn cả lũ chó tới đánh đòn hội đồng. Qua nhiều trận không cân sức như vậy sói con rút ra nhiều bài học. Nó hiểu được rằng muốn chống lại số đông kẻ địch ào ạt tấn công như vậy nó phải giáng cho quân thù những tổn thất nặng nề nhất trong thời gian ngắn nhất. Điều chủ yếu là phải đứng vững trên bốn chân, đây là một yêu cầu sinh tử. Vì thế Nanh Trắng ra sức luyện thân hình cho thật dẻo như mèo. Khi giao đấu, bọn chó thường tuân theo một số qui tắc nhất định. Chúng có tập tục biểu lộ ý định khiêu chiến bằng động tác xù lông, gầm gừ, nhe răng. Ngược lại, sói con bỏ hết mọi màn dạo đầu vô ích, đối với nó chờ đợi nghĩa là sẽ bị cả lũ lĩ bọn địch ập tới đánh. Vì thế nó không bỏ phí thì giờ, không mảy may chần chừ xông vào nhanh như sét nổ, không để địch thủ kịp đề phòng. Và đớp luôn, nhay, xé tơi bời. Phần lớn nạn nhân của nó chưa kịp nhận định tình thế đã bị nát vai, rách tai. Nhiều con choai choai rút chạy về trại mang theo cổ họng rách toang. Trong một trận giao chiến gần bìa rừng, Nanh Trắng quật địch thủ ngã chổng bốn vó, lôi đi xềnh xệch một quãng dài rồi cắn đứt tĩnh mạch chính ở cổ con chó làm nó chết đứ đừ.  Tối đó, cả trại Anh-điêng ồn ào. Các bà nhắc lại những vụ mất trộm thịt trước đây rồi kéo tới chất vấn Rái-cá-Xám. Họ gào lên:  - Con chó của anh là kẻ cắp! Là đồ phản chủ! Nó là chó sói! Anh chàng này kiên quyết đứng chắn ngoài cửa không cho ai vào lều, nơi anh giấu Nanh Trắng và khăng khăng chống lại mọi người, nhất định không chịu trừng phạt kẻ tội phạm.  Trong suốt thời gian lớn lên Nanh Trắng bị lũ chó và mọi người căm ghét, không một lúc nào được yên thân. Nó luôn bị bàn tay con người và nanh bọn chó đe dọa, luôn được tiếp đón bằng tiếng gầm gừ của đồng loại và tiếng nguyền rủa cùng với gạch đá của các thượng đế tới tấp ném vào nó. Sói con lúc nào cũng căng thẳng đề phòng bị tấn công hay phản kích, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chồm lên với hàm răng trắng lóe sáng nhe hết cỡ. Khi nó cất tiếng, không con chó nào trong trại có thể sánh bằng. Trong tiếng gừ của nó chứa đựng tất cả những gì là tàn nhẫn, độc ác và đáng ghê tởm. Với chiếc mũi thót lại vì không ngớt nhăn nhó, bộ lông luôn dựng ngược, cái lưỡi thò ra thụt vào liên tục, đôi mắt sáng lửa hung tàn, cặp môi lật lên lộ hết hai hàm răng, tướng mạo nó trông quái đản đến nỗi bọn địch thỉnh thoảng phải tạm thời ngưng chiến trong giây lát, thậm chí có khi phải tháo lui. Lũ chó là thủ phạm tập thể gây nên những cực hình cho nạn nhân Nanh Trắng. Chúng không chấp nhận nó là một thành viên, đáp lại Nanh Trắng cũng không cho phép con nào được rời xa đồng loại. Chỉ trừ con Lip Lip, tất cả bọn chúng đều phải dính chặt vào nhau để chung sức đối phó có hiệu quả với kẻ thù. Một con đi lẻ hầu như bao giờ cũng toi mạng. Con nào thoát được nanh vuốt của sói con cũng bị nó đuổi theo về tận trại và chỉ thoát chết nhờ được cả trại chạy tới hò hét giải vây. Về sau Nanh Trắng không những chỉ tấn công bọn đi lẻ mà còn tấn công cả khi chúng đi thành bầy. Chiến thuật của nó là co cẳng chạy khi bị chúng rượt đuổi. Chờ khi nào một con quá hăng máu vượt lên tách xa bầy, Nanh Trắng bất ngờ quay lại ra đòn sấm sét rồi lại chạy. Mẹo này lần nào cũng thành công, vì bọn chó non thường dễ quên còn sói con luôn luôn làm chủ được mình. Cuộc chiến này không lúc ngưng nghỉ, không hồi kết thúc. Thậm chí còn trở thành trò vui cho bọn trẻ, một trò vui chết người. Nanh Trắng ỷ thế am hiểu tường tận vùng Wild nên thường hay dụ lũ chó đi vào những cánh rừng kế bên trại. Chỉ trong chốc lát, lũ chó bị lạc đường kêu ủng oẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này, nộp mạng cho sói con có bước chân êm như bọc nhung lặng lẽ như cái bóng lướt qua cây rừng xông tới. Một kế khác được sói ưa thích: xóa dấu vết bằng cách lội qua các con suối khiến bọn chó không biết đường nào lần theo. Sang tới bờ bên kia, sói con chui vào một bụi cây nằm dài, khoan khoái thưởng thức tiếng kêu la thất vọng của lũ chó. Trong tình trạng thường xuyên phải biểu thị thái độ độc ác với các con vật, sự phát triển tinh thần của Nanh Trắng diễn ra rất nhanh và phiến diện. Nó chỉ học được một đạo luật duy nhất: cúi đầu phục tùng kẻ mạnh, thẳng tay áp bức kẻ yếu. Nó được giáo dục theo tư tưởng tôn sùng quyền uy. Vì thế sói con ra sức luyện cho mọi động tác của nó đều rất linh hoạt. So với các con chó khác trong trại, nó linh lợi hơn, nhanh nhẹn hơn, bền bỉ, hung tợn và hiếu sát hơn. Sự phát triển như vậy là tất yếu giúp nó có thể chống cự và sống sót trong môi trường thù địch nó đang sống. Khi mùa đông trở về mang theo mưa tuyết và sương mù Nanh Trắng đã có thời cơ thuận lợi để xa rời chủ, trở lại thành một sinh vật tự do. Đoàn Anh-điêng nhổ lều trại, chất mọi thứ lên thuyền độc mộc. Họ sẽ đi tới những miền nhiều con mồi hơn, ít giá buốt hơn. Kế hoạch của Nanh Trắng rất đơn giản. Chờ khi các con thuyền khuất sau khúc sông, nó chui vào nấp kín trong lùm cây, không đáp lại tiếng gọi của Rái-cá-Xám, của Kloo Kooch vợ anh ta và Mit Sah con trai anh ta. Nó nằm im trong nhiều giờ, chờ khi biết chắc toán Anh-điêng đã đi khỏi, nó chui ra cắm đầu chạy như điên vào rừng. Nanh Trắng được tự do! Tự do như cũ! Nhưng nó nhanh chóng võ mộng. Lòng nó tràn ngập một nỗi buồn vô hạn. Mọi ý nghĩ của sói con đều tối đen, trong nỗi buồn tê tái. Không khí yên tĩnh làm nó bối rối, cảm thấy một nguy hiểm rất gần đang đe dọa. Đã thế, khí lạnh như dao cắt thịt. Khí lạnh ác nghiệt luồn vào tận xương tủy. Không có góc lều làm nơi trốn rét, nó phải lần lượt vận động từng chân cho máu chảy đều, quắp chiếc đuôi lông dài phủ lên người cho đỡ cóng. Nhiều hình ảnh tái hiện trong ký ức sói. Những căn lều bạt, những đống lửa, những người Anh-điêng tấp nập lui tới. Tiếng the thé của đàn bà, tiếng trầm trầm của đàn ông, tiếng chó sủa… Tất cả những cái đó đều không còn nữa. Thấy đói bụng, sói con nhớ ngay tới những mẩu thịt, những con cá từ tay con người ném cho. ở đây chẳng có miếng thịt nào, đâu đâu cũng chỉ có sự im lặng khó tả, đầy đe dọa. Nanh Trắng không còn là con thú rừng ngày trước. Cuộc sống điều độ bên con người đã làm tính cách nó mềm đi, cảnh nô lệ đã làm nó mất hết ý thức về trách nhiệm. Thay cho tiếng rì rầm sinh động của cuộc sống thường nhật, lúc này im lặng và bóng đêm. đang vây hãm bóp nghẹt nó, làm nó tê liệt. Rồi đây nó sẽ ra sao… Nanh Trắng rùng mình. Vừa có một bóng đen khổng lồ, đáng sợ vút qua tầm nhìn của nó. Gì vậy… Đó chỉ là bóng cây do ánh trăng chiếu vào. Sói rên khe khẽ, sực nhớ ra vội ngậm chặt mồm để khỏi đánh thức mối nguy đang vây quanh. Có tiếng răng rắc ngay trên đỉnh đầu nó. Gì vậy… Đó là tiếng cành khô gãy. Nó chồm lên chạy thục mạng về phía trại. Một nguyện vọng mãnh liệt thôi thúc nó: được bảo vệ. Mùi khói củi phả vào lỗ mũi. Sói con ra khỏi rừng, khỏi những khoảng tối và những bóng đen đáng sợ của rừng, tới một khoảng trống tràn ngập ánh trăng. Nó ngơ ngác tìm trại Anh-điêng, quên bẵng trại đã dời đi từ lâu. Nanh Trắng đột ngột dừng lại, không biết nên đi đâu bây giờ. Cô độc, thiểu não, nó đi loanh quanh trên mảnh đất vắng teo tuy mới đây còn đông vui những căn lều của người Anh-điêng. Mũi nó phập phồng hít mùi các đồ vật bỏ đi và rác rưởi của thượng đế vứt lại. Sói vừa tới đúng chỗ trước kia chủ nó dựng lều. Nó ngồi xuống hếch mõm lên mặt trăng, há thật to thốt lên một tiếng than dài, tiếng than từ trái tim tan nát, tiếng than nói lên tất cả nỗi cô đơn hãi hùng, nỗi đau mất mẹ, những thiếu thốn và sự khốn cùng của nó trong quá khứ. Tiếng tru đầu tiên của sói con, rất dài và thê thảm. ánh bình minh làm giảm bớt một phần nỗi lo sợ của sói nhưng lại làm tăng cảm giác cô đơn, thất vọng. Nanh Trắng nhanh chóng quyết định. Nó lao thẳng vào rừng, tới bờ sông, men theo bờ đi về phía hạ lưu. Sói chạy không nghỉ suốt một ngày hôm đó. Sức bền bỉ di truyền giúp sói con có thể bắt các cơ bắp tuy đã nhức mỏi vẫn đưa nó tiến lên không ngừng. Tới chỗ dòng chảy bị thu hẹp giữa hai bên bờ vách đá cheo leo, nó vòng tránh tìm đường lên đỉnh núi. Có những đoạn sói phải lội phải bơi qua sông qua suối, nhiều chỗ phải liều đi trên lớp băng mới bắt đầu đông cứng ven bờ. Đôi lần vượt qua khúc sông chảy xiết, nó phải chống chọi kịch liệt mới không bị nước cuốn đi. Đầu óc nó không lúc nào rời khỏi ý định tìm ra dấu vết các thượng đế. Điều lo lắng duy nhất của nó là họ đã rời bờ sông đi sâu vào nội địa. Trí thông minh của Nanh Trắng hơn hẳn các đồng loại. Nhưng nó chưa đủ khôn để nghĩ tới bờ bên kia con sông Mackenzie. Biết đâu toán người Anh-điêng đã chẳng di chuyển sang đó… Sau này, cùng với năm tháng và sự từng trải, chắc Nanh Trắng sẽ không bỏ qua khả năng đó, còn lúc này nó chỉ đi hú họa vậy thôi. Suốt đêm hôm đó nó vẫn chạy không ngừng, vượt qua nhiều trở ngại, nhất quyết không bỏ cuộc. Mãi tới trưa hôm thứ hai cơ thể nó mới bắt đầu suy kiệt: tính ra nó đã chạy liền một mạch suốt ba mươi tiếng mà chưa có miếng gì vào bụng. Bộ lông mịn màng trên mình đã bết lại sau nhiều lần ngụp lặn dưới nước giá buốt. Gan bàn chân tóe máu tươi, càng về sau sói con càng cà nhắc dữ. Họa vô đơn chí, trời bỗng tối sầm, tuyết bắt đầu rơi như roi quất, tuyết tan chảy dưới chân làm đường trơn như mỡ, che lấp tầm nhìn ra xa khiến tốc độ của nó càng chậm lại.  Tối đó Rái-cá-Xám quyết định sang hạ trại bên bờ đối diện của con sông Mackenzie. Nhưng trước khi trời tối hẳn, Kloo Klooch vợ anh ta phát hiện một con nai sừng tấm đang xuống sông uống nước. Sự tình cờ may mắn này đã đảo ngược tình hình theo hướng có lợi cho sói con. Bởi lẽ nếu con thú rừng kia không xuống sông uống nước, nếu Kloo Klooch không phát hiện ra và nếu Rái-cá-Xám không bắn hạ được nó bằng hai phát súng, chắc hẳn Nanh Trắng đã bị lạc và sẽ hoặc chết vì đói khát vì rơi vào tay địch, hoặc gặp lại bầy sói anh em ruột thịt của nó và trở lại sống đời sói đến lúc chết. Tuyết rơi càng dày, sói con đang lảo đảo, lê chân khập khiễng bước đi thì phát hiện trên mặt đất trắng tuyết một dấu chân mới toanh. Nó lần theo dấu chân đi từ bờ sông vào bìa rừng. Chẳng mấy chốc tiếng ồn ào của trại đã bay tới tai, nó trông thấy ánh lửa bếp chập chờn của vợ Rái-cá-Xám đang nấu ăn. Trong trại có thịt tươi rồi! Sói con đinh ninh sắp ăn đòn. Nó dán mình xuống đất. Nghĩ tới trận đòn sẽ tới, lông hơi dựng lên nhưng nó vẫn nhoài dần về phía căn lều. Vừa sợ và căm ghét hình phạt đang đe dọa lại vừa thèm hơi ấm của bếp lửa và sự che chở của các thượng đế. Nên nó cứ tiến, thân hình co quắp, khúm núm, kéo lê bụng tới vùng sáng bếp lửa. Rái-cá-Xám trông thấy Nanh Trắng, ngừng nhai miếng thịt đang ăn dở. Nanh Trắng trườn thẳng tới trước mặt ông chủ, đầu cúi gằm tỏ ý thuần phục. Lúc này nhích được một tấc đất tới gần vị thượng đế sao mà chậm chạp, nhọc nhằn. đến thế! Mãi nó cũng tới nơi, nằm phủ phục dưới chân Rái-cá-Xám. Sói con run hết biết nhắm nghiền mắt chờ đòn trừng phạt giáng xuống. Bàn tay ông chủ Anh-điêng vừa giơ cao trên đầu, nó vội gồng mình chịu trận. Không thấy bàn tay đó nện xuống nó liều mạng ngước nhìn. Thì ra Rái-cá-Xám đang xé đôi miếng thịt, đưa cho nó một nửa. Sói con chưa hết nghi ngại, rụt rè đánh hơi, rồi nhẹ nhàng đớp miếng thịt. Rái-cá-Xám ra lệnh mang thêm thịt cho nó, và ngồi canh chừng lũ chó khác để Nanh Trắng yên chí đánh chén. No phưỡn bụng, Nanh Trắng nằm dưới chân ông chủ, âu yếm nhìn đống lửa sưởi ấm nó. Hoàn toàn yên tâm về ngày mai hết cảnh lang thang trong rừng tối, được làm bầu bạn với giống người.
Hết chương 4
Hết : chương 4 - Xem tiếp : Chương 5

Serve 1

Bốn chú sói con giống hệt sói mẹ, có bộ lông màu hơi hung hung. 
Con thứ năm lông xám như lông sói chột, nhưng khác bố nó ở chỗ có đủ hai mắt. 
Trước khi mở mắt, bọn sói con nhận được những thông tin đầu tiên về sự vật nhờ ở xúc giác. Qua đụng chạm cọ sát bọn chúng nhận biết nhau, bắt đầu đùa nghịch với nhau bằng những động tác mò mẫm, sờ soạng chứ không nhìn thấy nhau. Và các chú nhóc cũng sớm học cách lên tiếng hặm họe, ra sức rung mạnh cổ họng tập phát ra những âm thanh khác nhau, khi giận hờn thì họng chúng phát ra những tiếng như tiếng rít.
Cũng qua sờ mó đụng chạm trên da thịt, qua vị nếm trên lưỡi và mùi ngửi qua mũi mà bọn nhóc nhận biết sói mẹ là nguồn sưởi ấm, nguồn thức ăn và tình yêu thương. Chúng đặc biệt nhận biết cái lưỡi dịu dàng của mẹ chúng luôn luôn vuốt ve thân hình mềm mại của chúng làm ngày càng mềm mại hơn. 

Sói con trải qua tháng thứ nhất như vậy. 
Rồi nó mở mắt, nhờ vậy mà học cách tìm hiểu thế giới xung quanh cho rõ nét và đầy đủ hơn.
Nhưng vẫn chưa biết đến ánh sáng ban ngày vì vẫn còn phải sống trong hang tối. Chỉ riêng lối vào hành lang cho nó thấy một nguồn ánh sáng yếu ớt. Nó lờ mờ cảm nhận có một thế giới bên ngoài, một thế giới khác sáng sủa hơn mà sau này nó mới biết rõ. 

Lúc này, sói con chưa cảm thấy ngột ngạt tù túng vì nó chưa biết rằng ngoài cái thế giới nó đang sống còn có một thế giới khác hẳn. Nhưng nhờ có một bức vách khác các bức khác, bức vách đưa vào hang luồng ánh sáng mỏng manh giúp sói con tuy chưa mở mắt nhìn rõ thế giới ban ngày nhưng cũng có một cảm giác vô thức về ánh sáng. Như một cây non hướng về mặt trời, từng thớ thịt trong cơ thể sói con ngày càng bị nguồn sáng đó hút theo. Cùng với các anh chị em, nó bò ra phía cửa hàng lang, phía có luồng sáng bí ẩn từ ngoài rọi vào. Bọn sói con không bao giờ bò về phía các chỗ ẩn nấp tối tăm ở các bức vách khác.
Tất cả những khối thịt mũm mĩm này đều như cái máy không biết mệt mỏi bò ra phía sáng theo sự thúc đẩy của nhu cầu tồn tại mà chúng đang cố bám vào thật chắc. 

Ít lâu sau, cùng với sự hình thành ý thức riêng với những ham muốn những thôi thúc riêng, sức hấp dẫn của ánh sáng đối với chúng càng mãnh liệt, cửa hành lang gần như biến thành điểm thu hút duy nhất. Bọn nhóc liên tục bò ra đấy. 
Cũng vào dịp này, mỗi đứa có thể khám phá thêm những của báu trên cơ thể mẹ. Mẹ chúng không chỉ có cái lưỡi để liếm để âu yếm chúng mà còn có cái mõm để ra đòn, những cái chân để hất thân hình bé nhỏ của chúng lăn lông lốc vào tận cuối hang. 
- Các con còn quá nhỏ! Hãy chờ ít bữa nữa!
Các con chưa đủ cứng rắn để mạo hiểm ra ngoài kia, nơi các con có thể gặp vô vàn nguy hiểm. Hãy kiên nhẫn, sẽ có ngày mẹ con mình cùng đi dạo. 

Nhờ vậy bọn nhóc học được ý nghĩa các trận đòn và học được cả cách tránh đòn.
Khi sói con đầy tháng cũng là lúc chúng đã mở mắt nhìn xung quanh từ một tuần trước. 

Một con trong bọn lên mặt ta đây hơn hẳn những con khác: con lông xám. Con này cũng biết ăn thịt như các anh chị em nó, như cả gia đình nó.
Sữa nó bú nói cho cùng cũng là thịt được biến đổi thành chất lỏng. Thứ thức ăn này đã giúp nó lớn lên, cho nó sức mạnh. Bây giờ nó bắt đầu ăn thịt do sói mẹ nhai nát và tiêu hóa một phần rồi mớm cho con.
Tiếng con sói xám vang to hơn bốn con kia, trong vui đùa nó là đứa vượt trội hơn cả, nó luôn quật ngã các con khác rồi nhay nhay tai chúng.
Nó cũng là đứa quậy phá sói mẹ nhiều nhất. Và cũng là đứa bị luồng sáng mờ mờ lọc qua cửa hành lang quyến rũ mạnh hơn những con sói con khác. 

Tuy sói xám bị điểm sáng mờ mờ đó cuốn hút rất mạnh nhưng nó hoàn toàn không biết có cái gì phía sau. Nó tưởng cửa vào hầm là một bức tường sáng. Bức tường này là mặt trời của nó, là ngọn nến mà nó là con thiêu thân. Lạ thật, tại sao sói bố lại có thể xuyên qua tấm màn không thực ấy để mang đồ ăn vào… Nó đã nhiều lần tìm cách đi qua tường, nhiều lần thử đi qua các bức vách khác xem sao nhưng lần nào cũng đau điếng vì cụng cái chót mũi non nớt vào vách cứng. Bức tường ánh sáng càng khó hiểu càng bí ẩn càng hấp dẫn nó mạnh. 
Cuối cùng nó đành chấp nhận ý nghĩ: khả năng biến được vào tấm màn đó là phép lạ của bố nó, cũng như sữa và thức ăn nhai dừ là thứ chỉ riêng mẹ nó có. 
Sói con đâu có đầu óc suy luận như con người. Ta không biết óc nó hoạt động ra sao, nhưng chắc chắn những kết luận nó rút ra cũng không kém rõ ràng, theo quan điểm của nó. Nó không thắc mắc tại sao sự vật tồn tại mà chỉ quan tâm tới cái cách sự vật làm thế nào để tồn tại. Vì thế nó đã học được cách khỏi cụng mõm vào vách hang và biết những điều nó không làm được thì bố nó lại có thể làm rất cừ. 
Cũng như mọi sinh vật khác ở Wild, sói con nhanh chóng hiểu thế nào là đói kém. Chẳng mấy chốc, không những thịt không còn đủ cho mẹ nó mớm mà sữa cũng không đủ cho nó bú.
Trong hang bắt đầu dậy lên những tiếng kêu than, rên xiết. Bọn sói con thôi đùa nghịch, thôi đánh lộn, rơi vào trạng thái mê mệt. Trông bên ngoài như chết nhưng thực ra chúng chỉ ngủ lịm đi. 

Cảnh đó khiến Một Mắt rất đau lòng. Nó lồng lộn chạy khắp nơi tìm thức ăn, nhưng hình như mọi sự sống đã chạy trốn khỏi xứ sở đáng nguyền rủa này.
Cũng như sói già, sói cái ngày đêm vất vả săn lùng nhưng cũng chẳng gặp may hơn.
Nó mon men tới rìa trại người Anhđiêng cuỗm được vài con thỏ rừng sa bẫy. Nhưng rồi tuyết tan, băng trên các dòng thác cũng tan, toán Anhđiêng nhổ trại đi nơi khác, bộ mặt ghê tởm của đói kém lại hiện ra trong hang sói.

Khi thời tiết thuận lợi trở lại, săn bắt kết quả hơn. Trong căn phòng tròn cuối hành lang đã có nhiều thay đổi. Chỉ còn hai sói con sống sót: con xám và con sói cái em út của nó. Ba con kia đã chết đói hết. 
Sói xám con nhanh chóng hồi phục sức khỏe và lại bị luồng sáng ngoài cửa hành lang cuốn hút. 
Con sói em tuy được sói mẹ ra sức chăm bẵm, cho ăn đầy đủ nhưng ngày càng suy kiệt dần. Như một ngọn lửa nhỏ nhoi chập chờn trước gió không có cách gì thổi bùng lên được.
Rồi tắt hẳn. 

Một ngày kia, sói xám con không thấy bố nó đi qua bức tường ánh sáng. Bất hạnh ập đến trong trận đói thứ hai, tuy không khốc liệt bằng trận trước. 
Sói già từ bỏ gia đình chăng?
Không! Sói cái nhanh chóng nhận ra điều gì đã xảy ra với bạn nó. Lúc tới săn mồi trong vùng con linh miêu sinh sống bên nhánh phải con suối, sói cái phát hiện dấu chân sói già in trên mặt đất từ đêm trước. Dấu chân dẫn tới chỗ có dấu con linh miêu, sau đó tới chỗ xảy ra cuộc chiến đấu giữa hai con thú, kết thúc bằng thắng lợi của con linh miêu.
Vài khúc xương là tất cả những gì còn sót lại của con sói già bạn nó. Nó lần theo dấu vết linh miêu và tìm ra hang ổ kẻ thù. Biết đích xác chỗ kẻ thù nhưng sói cái không dám đương đầu mà vội rút về hang với lũ con. Liệu sau này nó sẽ có cơ hội trả thù cho sói già.

Sau bữa đó, sói cái tránh không bén mảng tới gần lãnh địa của linh miêu nữa. Nó thừa biết bản chất hung tợn và tính tình bất trị của giống thú này. Dĩ nhiên nếu huy động cả một bầy sói tấn công thì dễ dàng tống khứ nó đi biệt khỏi nơi đây. Nhưng một chọi một là chuyện khác, nhất là khi con linh miêu kia có cả một đàn con sau lưng, cả một gia đình đang đói rã họng phải nuôi nấng, phải che chở. Trong cuộc chiến đó Một Mắt đã phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Wild có những luật lệ khắc nghiệt riêng của nó, cuộc sinh tồn ở miền đất này như ngàn cân treo sợi tóc.
Khi sói cái đi săn mồi, nó thường phải để sói con xám ở nhà một mình. Nó đã dạy con hiểu điều cấm kỵ : không được tới gần cửa vào hành lang. 
Theo bản năng, sói con vâng lời mẹ vì nó cũng cảm thấy một nỗi sợ tự nhiên, tuy trước nay, trong quãng đời còn ngắn ngủi của mình nó chưa hề gặp bất cứ điều gì làm nó sợ. Nó trực tiếp thừa kế của sói bố, sói mẹ nỗi sợ này, nỗi sợ mà bố mẹ nó đã thừa kế của nhiều thế hệ sói đi trước. 
Tóm lại, sói con biết sợ trước khi hiểu sợ hãi có ý nghĩa gì trong cuộc sống hàng ngày.
Chắc nó xếp cảm xúc này vào loạt dài những hạn chế trong cuộc sống, những hạn chế nó đã biết sơ sơ. Cảnh bị giam hãm trong bóng tối, những xô đẩy của sói mẹ và nạn đói đã dạy nó hiểu trên đời này không phải mọi thứ đều được tự do, nó phải tuân theo điều luật về những sự bó buộc, những giới hạn. Phải tránh làm những điều gây va chạm thì mới được hưởng những điều không va chạm. Vừa vì nghe lời sói mẹ, vừa vì nỗi sợ hãi mơ hồ và không tên đó nên sói con tránh xa cửa hang. Phần lớn thì giờ ở nhà một mình, nó lăn ra ngủ vùi, giữa hai giấc ngủ nó nằm im, cố nén những tiếng kêu than trong cổ làm họng nó căng phồng. 

Một bữa kia đang nằm nghỉ, nó chợt nghe có tiếng động lạ từ bức tường ánh sáng lọt vào hang. Một hiểm họa lớn đang đe dọa nó! Con chồn thông, một con thú dữ dằn đã lẻn vào hành lang nhưng chưa dám xông tới. Sói con nghe tiếng chân lạ bèn thủ thế. Nó xù lông dựng đứng hết lên, toàn thân chuẩn bị bước vào cuộc chiến.
Nhưng liệu nó làm gì nổi con thú mạnh hơn nó nhiều lần. Sói con biết thân biết phận, khôn hồn nằm im thin thít, không cục cựa, không dám thở mạnh, như hóa đá, như chết rồi.
Sói mẹ trở về đánh hơi thấy vị khách không mời mà đến. Nó lao ngay vào hang, cuống quít vuốt ve đứa con, mừng hết biết thấy nó vẫn nguyên vẹn. 

Sói con lớn phổng lên. Càng ngày, nó càng thấy cần ra ngoài sáng, cần biết rõ cái thế giới mẹ nó vẫn lui tới, thế giới có nhiều thịt tươi nóng hổi mẹ nó vẫn cắn chặt giữa hai hàm răng mang về.
Nhiều sức ép mới nảy nở trong người nó, nhất là sức ép của nhu cầu trưởng thành và nhu cầu tồn tại. Khốn nỗi cuộc sống thật rắc rối: bản năng và luật sống đòi hỏi nó phải vâng lời nhưng trử thành và tồn tại buộc nó phải trái lời. 

Cuối cùng, sói con gạt phắt sợ hãi và vâng lời. 
Không tự kiềm chế nổi nữa, một bữa kia nó liều mạng ra hành lang và rất kinh ngạc khi thấy càng đi ra xa, ánh sáng càng sáng hơn, càng dễ chịu hơn.
Ngay chất liệu bức tường cũng hình như chảy tan ra, sói con không thấy có thứ gì va vào mõm.
Nó bước hẳn vào bức tường, tắm mình trong cái trước đây tưởng là vật chất. 

Ánh sáng càng lúc càng chói hơn, dần dần sói con đâm hoảng. Bất chợt nó nhận thấy mình đã ra tới cửa hang tự lúc nào. Sau phút lóa mắt, nó đứng lặng đi, ngơ ngác trước khung cảnh rộng lớn trước kia nó đâu có ngờ tới! Bức tường ánh sáng trải dài đến vô tận.
Mắt nó tự động điều chỉnh để nhìn rõ cảnh vật dưới luồng sáng mới. Thế giới của sói con biến thành một thế giới muôn màu nghìn vẻ với sông suối núi non cỏ cây và bầu trời lồng lộng. 

Chúng là gì vậy, những lùm cây, sông suối kia?
Liệu sói con có dám mạo hiểm bước vào thế giới lạ hoắc này không?
Bất giác nó thấy hoảng, lùi lại một chút rồi ngồi bệt xuống. Ngồi giữa cửa hang, sói con phóng tầm mắt nhìn khắp chung quanh.
Lông nó dựng đứng lên trước sự thù nghịch đáng ngờ, đôi môi mím chặt thốt ra một tiếng gừ tuồng như nó thách thức cái thế giới lạ vừa khám phá ra. 

Nhưng không có gì đáp lại thách thức của nó, chưa có gì tấn công nó. 
Sói xám con tiếp tục quan sát, cảm thấy thích thú đến quên hẳn sợ, bắt đầu ngắm nghía các vật ở gần nhất. Nhìn cây thông khô từ dưới vực đâm lên tới tận chỗ nó, hít hà ngửi các tảng đá, ngửi mặt đất nó đang đi. 
Bất chợt nó bị trượt ngã. Nó hốt hoảng tưởng đất sụp dưới chân. Sói xám con lâu nay chỉ quen đi trên nền hang bằng phẳng, đâu có biết sườn dốc là gì, cũng chưa biết thế nào là té ngã. Đang ham khám phá thế giới nên nó cứ tiếp tục bước tới.
Nhưng lại bước quờ quạng hai chân trước vào khoảng trống, hai chân sau vẫn đứng im tại chỗ.
Thế là cu cậu ngã lăn theo sườn dốc. Nó lăn mãi, lăn lông lốc như cục đá, bụng nghĩ: "Cái thế giới kỳ lạ này lấy mất mạng mình rồi". Ý nghĩ đó làm nó mất hết hồn vía. May sao mặt đất càng lúc càng bớt dốc, cuối cùng sói con dừng lại ở chân vách đá. Nó kêu lên tiếng cuối cùng vĩnh biệt cuộc đời kèm theo một tiếng rên dài thê thảm. 

Nhưng rồi thấy mình vẫn chưa chết, nó lồm cồm ngồi dậy, cảm thấy yên tâm và chợt nhận ra mình vừa phá vỡ bức tường giam hãm nó bấy lâu. Đương nhiên lúc này sói con nghĩ tới việc làm vệ sinh cá nhân, bắt đầu liếm thật sạch lớp đất sét phủ trên bộ cánh. 
Rồi trí tò mò lại bị cảnh thiên nhiên cuốn hút, nó tiếp tục ngắm nhìn mọi thứ xung quanh: thảm cỏ đang ngồi, các lớp rêu xanh, các bụi cây. Một chú sóc mải tung tăng gần đó vô tình húc vào mặt nó làm sói con thất thần. Nhưng chính chú sóc lại còn khiếp hãi hơn, vội tót lên ngọn cây cao rồi rít lên những tiếng man rợ. Sói con còn thấy một con chim gõ kiến xanh, rồi một con chim khác vô ý lao xuống chễm chệ ngồi lên đầu nó. Nó giơ cẳng định đập nhưng con chim nhanh hơn mổ cho một phát giữa mõm. Đau quá sói con rú lên, con chim bay vút đi. 
Dần dần sói con rút ra nhiều kinh nghiệm sống, nó thử phân loại những sự vật đã quan sát được. Vậy là có những vật sống và những vật không có sức sống. Loại thứ nhất có thể gây nguy hiểm vì chúng cử động được, ta không thể lường trước cử động của chúng sẽ mang lại cho ta điều gì, còn loại sau đứng im tại chỗ, không cần phải đề phòng. 
Bước chân của sói con còn vụng về. Nó không ước lượng đúng khoảng cách nên bị một cành cây quất trúng mõm, cào xước một bên sườn. Có lúc bươu đầu sứt trán, lúc trẹo khớp cẳng chân. Các viên đá cuội cũng gây rắc rối vì chúng luôn lăn tròn dưới chân làm nó loạng choạng. Qua đó sói con rút ra kết luận: độ vững chắc của nhiều vật không sống rất khác độ vững chắc của vách hang, những vật nhỏ không vững chắc bằng những vật lớn. 
Một ngày đàng học một sàng khôn, sói con đi thêm một bước lại già dặn thêm một ít. Càng lúc nó càng mỗi hòa nhập hơn với môi trường xung quanh. 
Nhưng cuộc sống không chỉ có rong chơi mà còn phải ăn. Là thợ săn bẩm sinh nhưng bữa nay chẳng cần săn nó tình cờ vớ được bữa thịt tươi sống. Đang đi lóng ngóng trên một thân cây đổ, bất thình lình sói con trượt chân rơi tõm xuống bụi rậm, trúng một ổ gà rừng có bảy con gà con. Bọn gà con kinh hãi chí chóe ầm lên.
Sói con không khoái lắm. Nó ngắm đàn gà, đánh giá chúng quá nhỏ con không bõ dính răng. Lũ gà cuống quít, nháo nhác. Sói đè chân lên một con, cả đàn càng giãy mạnh làm sói thấy hay hay.
Nhìn hồi lâu, sói ngoạm một con nhai thử và thấy ngon. Sáu con còn lại lần lượt chịu chung số phận.
Sói nhớ lại động tác của sói mẹ, ngồi liếm mép rồi chuẩn bị bò khỏi ổ gà đã bị phá tan hoang. Bất chợt một con chim khá to lao xuống.
Đó là con gà mẹ đang cực kỳ căm giận. Sói con bị gà mẹ mổ tới tấp, đau muốn chết, nó hét toáng lên. 

Bất ngờ nó đứng vụt dậy, chấp nhận giao chiến. Trận đầu thử lửa của nó. Sói con cắn được một bên cánh của địch thủ, giữ thật chặt giữa hai hàm răng nhất quyết không nhả, mặc cho gà mẹ mổ lia lịa và giãy giụa trong tuyệt vọng, lông rụng bay lả tả như bông tuyết.
Sau một lúc, con gà dường như đã chịu thua nhưng sói vẫn ngoạm chặt cánh nó. Cả hai nằm rạp dưới đất, trợn mắt nhìn nhau. Bất thình lình gà phản công, mổ tới tấp, nhưng sói con chỉ nhắm nghiền mắt chịu trận, không chịu nhả mồi.
Gà càng ra đòn mạnh hơn, nhằm vào mõm đánh liên tiếp làm sói phải tính chuyện rút lui. Trong cơn đau, nó quên phứt mồm vẫn ngoạm vào cánh địch thủ nên kéo cả con gà đi theo. Gà mẹ càng được dịp tấn công dồn dập. Sói con chịu không thấu, nghĩ bụng: "Tốt hơn hết là tìm chỗ trốn". 

Chẳng thiết gì tới con mồi nữa, nó ba chân bốn cẳng chạy thục mạng. Chạy được một quãng chưa xa bụi cây lắm nhưng nó quá mệt đành nằm phủ phục, thè lưỡi, thở hồng hộc. Mõm xưng vù đau quá, sói rên hừ hừ. 
Đang nằm, bỗng sói con cảm thấy có mối nguy khủng khiếp đang lượn lờ trên trời. Theo bản năng tự vệ, nó lùi vào nấp trong bụi rậm gần đó. Tên lạ mặt đang bay trên cao. Sói con vừa nấp kín thì một luồng gió rất mạnh xượt qua người, một bóng chim lướt ngay bên cạnh, lặng lẽ mà hung tợn. Con chim ưng từ mây xanh nhào xuống vồ trượt sói con trong gang tấc. Bảy vía còn ba, sói con hổn hển ghé mắt nhìn xem điều gì sẽ tiếp tục xảy ra. Con gà mẹ vẫn chấp chới bay trên chiếc ổ trống trơn tan tành. Nỗi đau mất con khủng khiếp làm nó không đề phòng con chim ưng trên cao. Như tia chớp, chim ưng lao xuống cắm bộ móng sắc như dao vào con gà mẹ. Nạn nhân chỉ kịp quác lên một tiếng đã bị con chim săn mồi quắp lên cao. 
Trong một ngày hôm đó, sói con đã học được nhiều điều. Nó đã biết những vật sống là thức ăn ngon nhưng những con to đều biết tự vệ, biết ra đòn, cần đề phòng kẻo mất mạng như chơi.
Sói con rời chỗ nấp đi tới bờ sông. Trước đây nó chưa từng biết nước là thứ gì. Dạo chơi trên chất sang sáng trong trong mặt nhẵn lì không gợn chút sần sùi này chắc thú vị. Sói chậm chạp bước xuống, bất ngờ bị hụt chân chìm nghỉm chỉ kịp hét một tiếng kinh hãi. Nước ùa vào phổi làm nó nghẹt thở tưởng chết đến nơi. Chưa biết chết là thế nào, nhưng cũng như tất cả các sinh vật miền Wild, nó biết cái chết theo bản năng tự nhiên. Lúc nổi lên mặt nước, cảm nhận được luồng không khí ùa vào miệng, nó biết không được để mình bị chìm xuống lần nữa, bèn khua chân và bắt đầu bơi. Động tác bơi của nó cũng tự nhiên, như một thói quen từ lâu. Sói con bơi về phía bờ bên kia. Dòng thác lúc đầu tuy nhỏ nhưng rộng dần, nước càng lúc càng chảy mạnh hơn cuốn sói con đi. Lúc này bơi chẳng còn tác dụng gì. Dòng sông phẳng lặng đã biến thành thác lũ, vần sói con không thương tiếc, lúc nhấn chìm xuống đáy lúc kéo lên mặt nước, lôi đi, ném vào ghềnh đá, ném nữa, mỗi lần ném là mỗi lần làm sói rú lên đau đớn, những tiếng rú đánh dấu đoạn đường sói bị trầm hà. Dưới hạ lưu, dòng thác dẫn đến một vũng nước lặng, nước chảy đưa sói giạt vào bãi sỏi trên bờ. Sói con lại học thêm được bài học mới. Nước không có sức sống nhưng nó cử động, di chuyển, trông tưởng vững chắc như mặt đất nhưng thực ra thì không. 
Ngày hôm đó quả là giàu sự kiện, nhưng chưa phải đã hết. Mí mắt sói con bắt đầu nặng trĩu, cơn buồn ngủ đã tới.
Nó cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi, muốn trở về hang. Sói con lại lên đường, nhưng chưa đi được bao xa thì chợt thấy hai con vật nhỏ vút qua trước mặt: hai mẹ con chồn bơlét.
Sói con không do dự vung một đấm quật bơlét con quay lơ. Bơlét con gào lên. Con mẹ quay ngay lại và nhanh như chớp nhảy vào sói cắn một miếng đau điếng rồi ngoạm con biến vào rừng, giấu kín vào nơi an toàn. Sói con đau lắm, nằm rên hừ hừ. Con chồn mẹ quay trở lại chiến địa. Thấy con chồn dài ngoẵng và nguy hiểm chẳng khác rắn độc, sói con khiếp vía nằm im, dựng hết lông, gầm gừ. Chồn lao tới cắn vào cổ sói. Sói ra sức quẫy đạp, lắc người thật mạnh nhưng chồn nhất định không buông. Nó tìm tĩnh mạch chủ hòng uống dòng máu nóng ngon lành của sói con.
Phen này sói con chắc mất mạng nếu sói mẹ không ập tới.
Con chồn nhảy lên định đớp cổ sói mẹ, tuy đớp hụt nhưng nó vẫn bám được vào hàm địch thủ. Sói mẹ lắc thật mạnh đầu, hất tung con chồn lên không trung. Thân hình mảnh mai vàng óng chưa kịp rơi xuống đất đã bị sói mẹ hứng gọn vào mồm, bập mạnh những chiếc nanh nhọn hoắt. Sói mẹ mừng rỡ gặp lại con, liếm các vết thương cho nó, vuốt ve nó. Hai mẹ con cùng chén thịt con mụ chuyên hút máu rồi đưa nhau về hang. 

Sói con nghỉ ngơi hai ngày rồi tiếp tục ra khỏi hang đi khám phá thế giới.
Nó đã từng trải hơn trước. Biết lúc nào nên tấn công, lúc nào phải chạy trốn. Nó đặc biệt thù ghét bọn gà rừng, hễ thấy chúng là nó nổi giận đùng đùng. Thấy sóc ngồi tít trên cây cao ngoài tầm nanh vuốt, nó gầm gừ chửi bới. Thấy bóng chim ưng nó vội vàng lủi vào thật sâu trong rừng nấp kín.
Già dặn dần lên, sói càng tự tin. Nó biết có nhiều con vật khiếp sợ nó, nó xếp bọn sóc, chồn bơlét và gà rừng vào loại tép riu không đáng làm nó phải lo lắng nữa. 

Sói con rất nể phục sói mẹ. Mẹ nó quả là tài giỏi, luôn săn được mồi và mang phần về cho nó.
Hơn nữa, sói mẹ không biết sợ là gì. Dĩ nhiên sói con chỉ thấy hiện tượng bên ngoài: sức mạnh vượt trội của sói mẹ, mà không biết nguyên nhân do đâu. Không biết sói mẹ có được sức mạnh ấy là do đã học được nhiều hơn nó, hiểu biết nhiều hơn, nhờ vậy mà dũng cảm hơn. Vì thế, sói mẹ càng buộc sói con phải vâng lời. Nó càng lớn lên sói mẹ càng nghiêm khắc, không chỉ dùng mõm húc, dùng chân quật mà dùng cả răng cắn. Thấy vậy sói con càng kính nể mẹ nhiều. 

Mùa đông năm đó rất khắc nghiệt, nạn đói lại hoành hành. Sói cái không nản lòng, ra sức săn lùng không ngơi nghỉ nhưng hiếm khi mang được thức ăn về. Sói con cũng đi săn nhưng cũng chẳng kiếm được gì nhiều. Tuy vậy, cơn hoạn nạn này lại có tác động rèn luyện tinh thần cho sói con, giúp nó thêm thông minh và khôn ngoan.
Nó phân tích các thói quen của sóc, tập chạy nhanh hơn để vồ sóc dễ hơn. Nó chẳng thèm để ý tới bọn chim ưng nữa, thấy bóng dáng chúng trên cao nó chẳng cần chạy vào nấp kín trong bụi rậm như trước. Hơn nữa, còn ao ước được thử sức với chúng. Nó ngồi đàng hoàng giữa bãi trống để nhử, không thấy chim ưng sà xuống, nó điên tiết giở đủ trò khiêu khích vì biết rõ thứ đang lượn trên trời xanh kia là thứ có thịt rất thơm ngon. Nhưng con chim săn mồi tỏ vẻ khinh khỉnh không chấp nhận đánh lộn. Sói ta đành bỏ đi, luôn mồm rên ư ử vì thất vọng và vì đói. 

Một bữa kia sói mẹ một mình nuốt trọn ổ linh miêu con, tha về hang một con bằng tuổi sói con. Sói con không biết mẹ nó đã xơi hết những con cùng lứa với con này. Nó đang đói cồn cào ruột gan, mỗi miếng thịt linh miêu non đều làm nó rất khoái khẩu và cảm thấy dễ chịu.
Đẫy bụng nó nằm lăn ra, dựa vào lưng mẹ định đánh một giấc đã đời. 

Nó ngủ không được lâu. Tiếng gầm dữ dội làm nó giật mình tỉnh dậy. Tiếng gầm khủng khiếp, lâu nay nó chưa từng nghe lần nào. 
Chuyện gì vậy?
Con linh miêu mẹ khát máu phục thù đã tới, đã vào tận hành lang.
Sói con không chần chừ. Nó vùng ngay dậy, dũng cảm đứng sát bên sói mẹ. Sói mẹ khinh thường gạt phắt nó ra phía sau. Con linh miêu ngồi trong hành lang thấp không nhảy lên chụp địch thủ được, nó từ từ bò vào, mồm gầm gừ dữ tợn. Sói cái chồm lên quật nó ngã lăn. Cuộc chiến rất ác liệt. Hai con rít lên, sùi bọt mép, phun nước dãi, cắn xé nhau chí mạng. Sói con cũng xông tới cắm chặt nanh vào đùi sau linh miêu, treo mình vào đó nhay nhay không nhả.
Bỗng tình thế đảo ngược, sói con bị hất văng ra, vai bị linh miêu đớp một miếng thấu xương.
Tiếng thét the thé cùng với tiếng rên của nó hòa vào tiếng gầm rú đinh tai nhức óc của hai địch thủ. Khi nó ngừng rên rỉ, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Cuối cùng, con linh miêu gục xuống.
Sói cái cũng gần chết, mình mẩy đầy vết thương, mất quá nhiều máu. Nó thở hổn hển, nằm liệt trên xác kẻ thù, trong nhiều ngày không ra khỏi hang. 

Sau khi ăn nhẵn nhụi thịt con linh miêu, sói mẹ mới thận trọng mò ra ngoài, dáng đi lảo đảo.
Sói con cũng đi cà nhắc nhưng rất hãnh diện, tự cho mình từ nay có thể đương đầu với tất cả, coi trời bằng vung.
Chẳng phải nó đã tham dự một trận đánh ra đánh đó sao. Nó tự thấy từ giờ trở đi có đủ sức theo sói mẹ trong mọi cuộc săn mồi


Hết
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close
This is the lightbox content. Close