Những ngày thơ ấu
Tác giả : Nguyên Hồng
Thể loại : Văn học Việt Nam
Xuất bản : Đang cập nhật
Quốc gia : Việt Nam
Nguồn : Truyen.blogspot.com
Người đăng : Hồ Vũ Tuấn Anh
Ngày đăng : 21/12/2010
Sang đầu tháng chín mẹ tôi lại vào Thanh Hóa. Khi mẹ tôi đi, em Quế và tôi cũng quyến luyến nhưng không nghĩ gì cả. Tại anh em tôi đều vui thích vì lời dặn dò của mẹ tôi:
- Chúng con cứ ở nhà với bà và cô để mợ đi buôn bán kiếm đồng nuôi chúng con và đến Tết về may mặc cho chúng con.
Nâng niu cái hy vọng được quần áo đẹp và nhiều tiền ăn quà trong óc, tôi vui vẻ đi học, em Quế tôi ríu rít đem cỗ chuyền theo chị em đi chơi.
Thấm thoắt tới mùa đông. Nhắc đến mùa đông, tôi có cảm tưởng những mùa đông thuở xưa rét mướt, buồn tẻ hơn những mùa đông mới đây và hiện nay. Vì những ngày mưa phùn dài lạ lùng với những cảnh vắng vẻ, lạnh lẽo nhưng không bao giờ hết.
Nhà tôi ở phố Hàng Sũ, chỉ tấp nập những dạo tháng tư, tháng năm tới tháng bảy, tháng tám. Bắt đầu sang tháng mười một, chạp và giêng, hai thì đường sá thưa hẳn người đi lại. Vắng những tiếng cưa gỗ sè sè và đục đẽo lách cách, sự sinh hoạt như ngừng trệ hẳn. Tôi hãy còn những cảm giác tê lạnh khi hồi nhớ lại cái nền mây sẫm lởm chởm như ruộng màu mới cày vỡ và thứ hơi mờ mờ như khói do các cây cỏ ủng nát trong lạnh lẽo phả ra.
Món tiền mẹ tôi cho vừa tiêu hết là tôi mong ngóng mẹ tôi về.
Càng mong ngày Tết đến, thời giờ qua càng chậm, tựa hồ như không chịu chuyển gì cả. Nhưng khi sắp nghỉ lễ Nô-en, nghĩa là chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ hết năm mà mẹ tôi vẫn còn ở Thanh Hóa, thì tôi lại cầu sao, từ 23 đến 25 chạp tây, ngày giờ chậm bao nhiêu hay bấy nhiêu. Vì tôi thấy tâm linh báo trước, gần nhất cũng phải đến 29 đến 30 Tết, sau khi đã cố chạy chợ cho được đồng gạo, đồng thịt cá cho nhà và tấm áo manh quần cho con cái, nghĩa là cho cái Tết được đầy đủ, thì mẹ tôi có thế mới về. Như thế tôi còn mong gì được hưởng những vui sướng về đêm Nô-en như mấy năm xưa?
Luôn hai ngày nghỉ học, tôi chỉ ở nhà một lúc ăn cơm, còn thì lang thang hết phố này sang phố khác, thấy đám đáo hay đám chẵn lẻ nào cũng sà vào. Nhìn những đồng trinh "câu ríu" san sát trên vạch chỉ ở mặt đất, nhìn những đồng xu hào thành đống ở hai mặt chẵn lẻ, tôi càng nóng rực cả người lên. Gần những kẻ được bạc, tôi bứt rứt khó chịu quá.
Trẻ con cũng như người lớn, sao họ tươi tỉnh thế kia? Sao họ vui vẻ thế kia? Mặt mày ai cũng đỏ bừng, mắt lấp lánh, tiếng cười hể hả sang sảng, tỏ rằng họ đã sung sướng đến cực điểm.
Hơn hai năm trước đây, những ngày hè oi ả chang chang, tôi đã chẳng tràn trề khoái lạc trong sự bê tha ấy sao? Mặc người quen thuộc chê bai, khinh bỉ, nào bố nghiện để con lêu lổng, nào đánh đáo để kiếm gạo và thuốc phiện, nào mồ mả đã đến ngày lụn bại...
Mặc! Tôi thản nhiên sống lang thang với các trẻ và các cảnh đầu đường xó chợ kia. Chính nhờ những đồng tiền kiếm được trong những ngày rạc rài ấy, tôi đã làm sáng nổi hai con mắt mỏi mệt, ốm yếu của thầy tôi và làm nở trên cặp môi nhợt nhạt của thầy tôi những nụ cười. Những tia sáng của hai con mắt ấy, những nụ cười của cặp môi ấy, đến khi tôi lớn, nghĩ lại tôi mới thấy thấm thía. Cha tôi đã biết mình không còn sống được bao lâu với hai đứa con nhỏ dại kia, biết rằng thế nào chúng cũng hư hỏng bởi thiếu sự chăm nom, dạy dỗ, và sống thế chỉ là kéo dài sự đau khổ với người vợ cũng chết dần trong cảnh miễn cưỡng của tình yêu thương.
Đã đến đêm hai mươi bốn tháng chạp tây rồi. Em gái tôi vẫn nhởn nhơ chơi đùa. Nó hí hửng săn đón tụi bạn học cũ để hỏi tiền chúng ăn quà chịu của nó và mua thêm ít hoa quả như bưởi, khế, hột sắn để sáng mai ra cổng trường bà Sờ ngay bên cạnh nhà, bán tranh với tụi hàng quà. Cô tôi đi đánh chắn vắng. Bà tôi ở nhà nhưng không thèm hỏi gọi đến tôi.
Mười giờ hơn, tôi lẳng lặng ra đi, vận áo chùng thâm, đầu trần, chân không. Trên đỉnh gác chuông nhà thờ, những ngọn đèn mắc thành hình ngôi sao năm cánh đã bật sáng. Hơi sương bàng bạc trước ánh đèn điện sáng ngời bị dồn cao lên và tan ra xa, sau đấy một mảng trời trông như tấm màn nhung xanh phớt sắp sửa vén lên.
Rồi những bóng điện mắc song song từ đỉnh gác chuông xuống tới thềm đá cũng bật sáng nốt, làm thành một cây ánh sáng chói lọi. Dân đi đạo ở các "họ" quanh tỉnh đã dồn cả lại trước nhà thờ. Tốp năm, tốp bảy ngồi kín cả cái sân đá xây cao bảy bực, rộng đến mức các trẻ con chạy cũng phải cuồng chân. Đằng trước nhà thờ, không biết bao nhiêu hàng quà bánh và ăn mày, họ ngồi đầy ở trước nhà thờ, ở hai bên nhà thờ và cả ở hè bên kia đường.
Mặc có mỗi bộ quần áo chúc bâu mỏng và chiếc áo chùng thâm đã toạc vai, tôi thấy khí lạnh thấm vào da thịt càng tê buốt, và mỗi lần gió đông như ngọn roi quất nhanh qua mặt, tôi tưởng như hai gò má bị một lưỡi dao sắc cứa dài. Đi lại mãi, hơn mười vòng chung quanh nhà thờ rồi, và len lỏi bao nhiêu lượt vào các đám đông, hai ống chân tôi đã mỏi rời.
Tiếng chuông bỗng nổi dậy. Rồi cả bầu trời rung chuyển lên bởi những vang động dồn dập đổ hồi. Cửa nhà thờ đã mở rộng. Một vòm chói lòa ánh sáng đèn nến và ánh ngời của thủy tinh, của pha-lê và của vàng son tỏa ra. Tây đầm đi vào trước. Cả bầu đoàn, vú bế, vú dắt, chị hai, chị khâu, bé con cầm áo choàng và làn mây dựng đầy bánh kẹo hoa quả, ríu rít theo sau. Tất cả nghênh ngang đi ở lối giữa nhà thờ rộng thênh thang, tới những hàng ghế trên cùng lót nhung cả ở chỗ quỳ chân. Rồi đến những chức sắc, những quyền quý giàu có trong bốn "họ" khệnh khạng, bệ vệ, hớn hở. Khi nhà thờ nóng rực lên vì các lớp quần áo lấp lánh và mùi phấn sáp nước hoa ngào ngạt, khi các thứ đàn sáo nhịp với chiếc đàn to bằng cả một gian nhà và hàng trăm đồng nhi, con gái thơ kinh cùng cất tiếng lên, để đón tiếp sự thanh bình, vinh hiển của những lớp người sang trọng vào trước, thì tụi bõ nhà thờ mới buông tay ngăn cản. Tức thì một làn sóng người rách rưới lếch thếch tràn vào, không phải bằng lối cửa chính mà chen chúc xô đẩy nhau ở các cửa bên mãi sau mới hé mở. Cảnh tượng huyên náo hỗn độn như của những người dân bị lụt chen lấn nhau để lấy một chỗ đứng trước nhà tế bần.
Vượt nhanh khỏi mấy bực thềm đá, tôi cố gắng lách mình qua một chặng người để có thể nhìn thấy bàn thờ, nhưng không sao được.
Đã đến thế, mỗi lần tôi rúc đầu lách mình vào các đám đông hôi hám ở ngoài cùng ấy thì lại bị một người trong bọn đẩy xuống nếu không phải một cái cốc lỗ đầu. Dần dần, tôi mất cả cái hứng thú xem cử lễ. Dần dần, tôi thấy sự lạnh lẽo thấm thía hơn. Dần dần, tôi cảm thấy một cách chua cay bên sự trơ trọi hèn hạ của tôi, một đứa trẻ côi cút cùng khổ, có bao nhiêu người vui sướng, say sưa, mà chỉ chạm đến họ thôi tôi cũng không dám.
Tiếng đàn sáo ca hát càng dướn lên, dồn dập tưng bừng. Nhưng tôi đã bước khỏi cái bậc cuối cùng của cái sàn đá cũng kín người, những người nhà quê đến chậm. Tôi lủi thủi đi ngược lên phía trên, rồi ngoặt ra con đường trung tâm của thành phố, có khu vườn cây, vườn hoa và những chuồng chim mọi ngày tôi thường tha thẩn ở đây và đi qua đây... Tôi không về nhà.
Màn sương đã lan rộng. Cảnh vật mơ hồ và êm đềm như ở trong một biển khơi khói chập chờn mông mênh. Những vừng cây ở hai bên đường xanh thẫm lại, ẩm ướt nặng nề. Trời đầu lạnh. Mỗi lần gió vút qua mặt tôi, tôi thấy rõ có những bụi nước hắt vào da thịt. Cứ gì phải dầm lội trong mưa bão mới có những cảm xúc lạnh lẽo mãnh liệt. Như tôi trong đêm nay, chỉ đi trong vắng lặng và nhớ thương người mẹ hiền từ cũng đủ rạo rực và đau đớn đến tê dại. Gió càng mạnh. Khí lạnh đêm khuya càng thấm. Những mảnh lá chạy xào xạc trên mặt đường chạy cả vào lòng tôi cùng với những âm thanh mơ hồ như tiếng chim rủ rỉ ở đâu đây. ánh điện dần phơn phớt xám. Soi sáng cho cảnh vật vắng lặng chìm đắm lúc bấy giờ từ hơi sương bàng bạc, hơi sương sữa một đêm trăng nặng mây. Trong lòng tôi, tiếng lá lao xao như không bao giờ tắt. Giá buốt quá. Trong lòng tôi xác lá vụn mãi ra, nhiều bao nhiêu lại biến nhanh đi bấy nhiêu. Tôi đi, mê man, với hình ảnh một đám ma tẻ lạnh, không kèn, không trống... Chính ngày rằm tháng tám, giữa lúc trẻ con hàng phố hoan hỉ trước bàn cỗ trông trăng, em Quế và tôi lôi thôi trong bộ quần áo sổ gấu, lẽo đẽo theo sau một cỗ đòn cũ mang cái áo quan thầy tôi có hơn chục người khiêng cũng ở cổng nhà thờ đi ra. Đám ma đi, đi rất thong thả, qua đầu phố nào cũng được mọi người chăm chú nhìn vì trong người đưa đám chỉ thấy có hai đứa bé khóc. Em Quế tôi và tôi suýt soát nhau, chỉ sướt mướt hờ:
- Cậu ơi! Cậu ơi!... Hư hư cậu ơi!...
Tiếng khóc ngộ nghĩnh nức nở thốt ra làm nhiều người quay mặt đi cười. Người chị gái thầy tôi luôn luôn phải lùi bước lại, ghé tai bảo chúng tôi:
- Đừng hờ là cậu, hờ là cha cơ...
Nhưng chỉ được vài câu và rồi vì quen miệng, anh em tôi lại:
- Cậu ơi! Hư hư... Cậu ơi là cậu ơi!...
Bao nhiêu năm tháng, tiếng "cậu" đã bắt đầu cho bao nhiêu câu gọi, bỗng chốc thay đổi sao được? Khóc bằng "cậu" lúc đó tôi thấy mới thật là khóc. Khóc bằng "cậu" tôi còn thấy như tôi được gần thêm con người thân yêu nhất của chúng tôi và chúng tôi phải cố níu giữ lấy với cái "tên" duy nhất kia.
- Cậu ơi! Là cậu ơi!...
Hết chương 5
oOo
Phóng lớn:
- Nhấn
Ctrl + (từ 1 lần - 2 lần)
- Nhấn phím
F11
Thu nhỏ:
- Nhấn
Ctrl - (từ 1 lần - 2 lần)
- Nhấn phím
F11