Giã từ vũ khí
Tác giả : Ernest Hemingway
Thể loại : Truyện kinh dị
Nguồn : Truyen.blogspot.com
Quốc gia : Mỹ
Blog : Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay
Người đăng : Hồ Vũ Tuấn Anh
Ngày đăng : 21/12/2010
Con đường này đông nghẹt . Cả hai bên lề đường có nhiều đệm và tấm che làm bằng bẹ ngô. Tất cả phủ chiếu nên trông giống như cửa vào của một gánh xiếc hoặc một bản làng. Xe chạy chậm trong hầm rơm đó rồi chui ra một vùng trống trải trước đây là ga xe lửa. Con đường ở đây nằm dưới bờ sông, suốt dọc theo lề dưới này bộ binh trú trong những hố đào vào bờ dốc. Mặt trời đã lặn, ngước mắt nhìn lên giải đất tôi thấy những quả khí cầu quan sát màu đen của bọn Áo trên những ngọn đồi thuộc phía bên kia, trong ánh chiều tà. Chúng tôi đậu xe bên sân gạch. Những bếp lò và hố sâu được biến thành trạm cứu thương.Ở đó, tôi có biết ba bác sĩ. Tôi nói chuyện với thiếu tá và được lệnh cho hay là khi bắt đầu tấn công thì chúng tôi sẽ cho các thương binh lên xe và chở họ về theo con đường có nguỵ trang khi nãy, lên đỉnh đèo theo con đường chính. Ở trên đó có một trạm và có nhiều xe khác sẽ lo chuyên chở họ. Thiếu tá hy vọng rằng con đường sẽ không bị nghẽn tắc. Đó là một cuộc hành quân theo độc đạo. Con đường được ngụy trang vì nó nằm ngay dưới hoả lực của bọn Áo, ở bên kia sông. Ở sân gạch này, dải đất bờ sông che cho chúng tôi khỏi súng trường, súng liên thanh bắn sang. Một chiếc cầu gãy nát bắc ngang qua sông. Họ sắp bắc ngang một chiếc cầu khác khi bắt đầu dội bom và có vài đội quân phải lội ngang chỗ nước cạn phía trên khúc quanh sông.
Thiếu tá vóc người nhỏ, ria vểnh lên. Trước kia ông đã từng dự trận chiến ở Lybia và mang hai vết thương. Ông bảo rằng nếu công việc tiến hành tốt ông sẽ gắn huy chương cho tôi. Tôi trả lời rằng tôi mong đợi mọi việc sẽ được tốt và ông quá tử tế. Tôi cũng hỏi xem có cái hầm nào lớn để những người lái xe chúng tôi có thể nghỉ lại. Thiếu tá gọi một người lính để dẫn tôi đi theo. Tôi theo anh ta đến một hầm rất tốt. Những người lái xe tỏ ý hài lòng và tôi để họ ở lại đấy. Thiếu tá mời tôi dùng rượu với ông và hai sĩ quan khác. Chúng tôi uống Rhum và chuyện trò thân mật. Bên ngoài trời đã tối. Tôi hỏi mấy giờ sẽ tấn công thì được biết lúc nào trời tối hẳn sẽ bắt đầu.
Tôi trở về chỗ những người lái xe khi nãy. Họ đang ngồi nói chuyện trong hầm. Khi tôi bước vào thì họ ngừng lại. Tôi trao cho mỗi người một gói thuốc lá Macedonias, những điếu thuốc quấn không chặt tay làm thuốc rơi ra khiến trước khi hút phải vấn hai đầu lại. Anh lái xe Manera bật lửa châm điếu của anh, rồi chuyền khắp cho những người chung quanh. Chiếc bật lửa có hình dạng như cái lò sưởi điện hiệu Fiat. Tôi kể lại cho họ nghe những gì tôi đã nghe được khi nãy.
Passini hỏi :
- Tại sao không thấy trạm cứu thương lúc chúng ta trở xuống?
- Trạm ở ngay phía sau chỗ rẽ.
- Con đường này rồi sẽ hư mất. Manera nói.
- Địch sẽ nã trọng pháo phá huỷ con đường đó của chúng ta.
- Có thể lắm.
- Có gì ăn không, hở Trung uý? Khi bắt đầu cuộc tấn công chúng ta chẳng được ăn đâu nhé.
- Được, để tôi đi tìm có gì ăn được không. Tôi trả lời.
- Có thể đi dạo quanh hay phải ở lại đây ạ?
- Nên ở lại đây thì hơn.
Tôi trở lại chỗ hầm thiếu tá. Ông bảo nhà bếp đang sửa soạn bữa ăn và các người lái xe có thể đến đó lãnh phần ăn của mình. Ông sẽ cho mượn ga men nếu họ không có. Tôi đáp là chắc có mang theo. Tôi trở về bảo những người lái xe là sẽ đến báo họ khi súp tới. Manera nói, anh hy vọng thức ăn sẽ đến trước khi cuộc oanh tạc bắt đầu. Rồi họ im lặng cho đến khi tôi bước ra ngoài. Họ toàn là những người thợ máy và đều oán ghét chiến tranh.
Tôi bước ra ngoài và đến bên chiếc xe để xem xét mọi việc rồi trở lại ngồi trong hầm với bốn người lái xe. Chúng tôi ngồi bệt xuống đất, lưng dựa vào tường hút thuốc. Bên ngoài trời đã gần tối hẳn. Đất trong hầm ấm và khô. Tôi dựa vai vào tường choãi người ra cho thoải mái…
…Bên ngoài những ngọn đèn pha quét các vệt sáng dài trên núi. Ở mặt trận này có nhiều chiếc đèn pha to lớn gắn trên những chiếc xe ô tô. Có đêm người ta gặp chúng trên đường sát mặt trận. Chiếc xe dừng lại cách đường một chút, một viên sĩ quan rọi đèn pha vào giữa đoàn người. Chúng tôi băng qua sân gạch rồi dừng lại ở trạm cứu thương chính. Phía trên cửa ra vào có một mái hiên nho nhỏ kết bằng lá cây xanh, và trong đêm tối từng cơn gió khuya thổi xào xạc trên đám lá khô cháy nắng. Bên trong có ánh đèn. Viên thiếu tá đang ngồi trên một cái thùng gọi điện thoại. Một đại uý quân y bảo là cuộc tấn công sẽ bắt đầu sớm hơn một tiếng đồng hồ. Ông ta đưa mời tôi một ly cô nhắc. Trên những tấm ván thùng dùng làm bàn, các dụng cụ, chậu và chai đậy nút lấp lánh sáng ngời dưới ánh đèn. Gordimi đứng ngay sau tôi. Thiếu tá đứng lên bảo :
- Cuộc tấn công bắt đầu. Người ta lùi theo giờ ban định lúc đầu.
Tôi nhìn ra ngoài. Trời tối đen và những ánh đèn pha của bon Áo đang quét trên rặng núi đằng sau chúng tôi. Tất cả vẫn còn chìm đắm trong yên lặng, phút chốc những khẩu súng ở khắp nơi nhả đạn.
- Tấn công. Thiếu tá nói.
- Thưa thiếu tá, còn vụ ăn uống thì sao? Tôi hỏi nhưng ông ta không nghe, tôi bèn lập lại một lần nữa.
- Chưa thấy mang lên.
Một quả trọng pháo bay tới và nổ ngoài sân gạch. Một quả khác nổ tiếp theo và trong tiếng nổ đó người ta nghe cả tiếng gạch ngói, đất cát đổ rào rào.
- Có gì ăn đấy?
- Còn chút ít mì. Thiếu tá nói.
- Tôi sẽ dùng những gì thiếu tá cho.
Thiếu tá ra lệnh cho một người lính. Hắn quay lưng đi ra ngoài rồi trở lại với một cái đĩa sắt đựng mì Ý nấu chín để nguội. Tôi đưa đĩa mì cho Gordini rồi bảo :
- Thiếu tá còn pho mát không?
Thiếu tá lầu bầu gì đó với người hầu cận. Hắn lại chui xuống hầm và trở ra với một mẩu pho mát trắng.
- Cám ơn thiếu tá nhiều lắm. Tôi nói.
- Tốt hơn hết là anh đừng nên đi ra ngoài.
Bên ngoài, có hai người vừa đặt một vật gì đó xuống cạnh cửa. Một trong hai người nhìn vào trong nhà.
- Mang người ấy vào trong này. Thiếu tá bảo. Các anh làm gì vậy? Các anh muốn chúng tôi đi ra ngoài ấy mang hắn ta vào à?
Hai người khiêng cáng xốc nách người bị thương lên rồi khiêng anh ta vào.
- Cởi áo choàng của hắn ra.
Thiếu tá dùng kẹp gắp mấy miếng vải băng. Hai viên đại uý khi nãy cởi áo choàng ra. Thiếu tá bảo hai người khiêng cáng :
- Các anh đi ra ngoài đi.
Tôi bảo Gordini :
- Nào, ta đi thôi.
- Tốt hơn anh nên chờ cho đến khi ngưng bắn đã. Thiếu tá quay lại nói.
- Họ đói ạ. Tôi nói.
- Tuỳ anh vậy.
Chúng tôi ra ngoài, chạy băng qua sân gạch. Một quả trọng pháo nổ một tiếng ngắn cạnh bờ sông. Một quả nữa bất chợt bay về phía chúng tôi đến nỗi chỉ nghe thấy tiếng đạn rít thôi. Cả hai chúng tôi nằm sấp xuống vừa thấy chớp sáng, tiếng dội, mùi thuốc nổ, tiếng mảnh đạn rít và tiếng gạch vỡ lả tả và tiếng gạch bể rơi lách tách. Gordini đứng lên chạy vào hầm trú ẩn. Tôi chạy theo sau hắn tay cầm miếng phó mát bám đầy bụi gạch. Trong hầm, ba anh lái xe đang ngồi tựa lưng vào tường hút thuốc.
- Này thức ăn đây.
Manera hỏi :
- Những chiếc xe của mình thế nào?
- Không sao cả.
- Trung uý có sợ không?
- Kệ nó, có. Tôi đáp.
Tôi lấy con dao, mở lưỡi ra, liếc qua liếc lại mấy cái rồi hớt bớt lớp bụi bám trên miếng pho mát. Gordini trao cho tôi đĩa mì Ý.
- Trung uý mở màn trước đi.
- Không. Tôi bảo. Để chậu xuống đất, chúng ta cùng ăn chung với nhau vậy.
- Nhưng không có nĩa.
- Thật chó chết. Tôi nói bằng tiếng Anh.
Tôi cắt phó mát ra từng miếng rồi để lên trên mì.
- Ngồi xuống ăn đi. Tôi bảo.
Họ ngồi xuống rồi chờ tôi. Tôi bốc mì lên, nhiều sợi lại rơi trở xuống.
- Trung uý hãy giơ lên cao.
Tôi đưa tay thẳng lên cho những sợi mì rời ra. Tôi hạ chúng xuống gần mồm mút, dùng răng cắn và nhai. Xong tôi lại cắn một miếng pho mát và uống một ngụm rượu. Rượu có mùi rỉ sắt. Tôi chuyền bi đông cho Passini.
- Bẩn quá. Anh nói. Người ta để trong bi đông quá lâu. Tôi có trong xe.
Cả bọn cắm cúi ăn, cằm sát xuống chậu mì, mặt ngửa ra, mút những cọng mì. Tôi ăn một miếng nữa với pho mát và hớp một hớp rượu. Bên ngoài có vật gì rơi xuống làm rung chuyển mặt đất.
- Súng 420 ly. Gavuzzi nói.
- Không có súng 420 ly nào trên núi cả. Tôi đáp.
- Chúng có những khẩu Skoda to lớn. Tôi thấy cả nòng súng nữa cơ.
- 305 ly.
Chúng tôi tiếp tục ăn. Người ta nghe một tiếng vút, giống như tiếng đầu máy xe lửa chạy, và tiếp theo là một tiếng nổ long trời làm rung chuyển cả mặt đất. Passini bảo :
- Hầm trú ẩn này không sâu lắm.
- Trước kia nó là cái hầm lớn để chứa bích kích pháo.
- Đúng thế đấy, thưa trung uý.
Tôi ăn nốt miếng pho mát còn lại và uống vội một ngụm rượu. Qua những tiếng ồn ào, tôi nghe tiếng khạc đạn và một tiếng xi…ịt, rồi một lằn chớp loé lên giống như cửa lò cao bất thình lình mở ra. Liền theo đó là một tiếng nổ ầm chớp sáng lên, lúc đầu trắng loá rồi đỏ rực kèm theo một luồng khí lạnh. Tôi cố thở nhưng hơi thở bị tắc nghẹn lại và cảm thấy bị ngất đi rồi bị gió cuốn, cuốn đi rất xa ra ngoài. Tôi không còn tự chủ được nữa và có cảm tưởng rằng mình đã chết, và biết rằng mình đã lầm khi nghĩ là mình đã chết mà không thấy như thế. Rồi tôi có cảm giác nổi trôi và đáng lẽ tiếp tục bay thì lại thấy rơi xuống. Tôi thở, tôi tỉnh lại. Mặt đất tung lên và trước mặt tôi một cây sà bằng gỗ bị băm nát. Trong lúc đầu óc bối rối, tôi bỗng nghe có tiếng người kêu hay đúng hơn là tiếng la hét. Tôi cố động đậy mà không sao cử động được. Tôi nghe thấy tiếng súng máy, súng trường bắn ầm ầm bờ bên kia và suốt dọc con sông. Một tiếng nổ lớn bắn người lên. Tôi thấy một quả trọng pháo nổ sáng rực như bay lên toả ra, trôi trong bầu trời. Hoả tiễn lao lên, tôi nghe thấy tiếng bom đạn cùng một lúc. Tiếp đó tôi nghe sát bên tôi có tiếng kêu “Trời ơi! Mẹ! Mẹ ơi!”. Tôi bèn trườn tới, vặn mình và cuối cùng duỗi được chân ra. Rồi tôi quay được người và sờ vào người ấy. Đó chính là Passini. Khi tôi chạm vào người anh thì anh hét lên. Đôi chân anh ở về phía tôi và giữa cảnh tranh sáng tranh tối, tôi thấy cả đôi chân anh đều bị trúng đạn nát đến tận đầu gối. Một chân thì đã mất hẳn, còn chân kia thì dính lại do gân và một phần của ống quần dài. Khúc chân còn lại co rút và rung lên bần bật tựa hồ như nó không còn liền với nhau nữa. Passini cắn vào tay rồi rên rỉ :
- Trời ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Đức Mẹ hãy cứu vớt chúng con! Hãy cứu vớt chúng con! Ôi Giêsu! Hãy bắn con đi! Ôi Chúa hãy giết con đi! Ôi Mẹ ơi! Mẹ ơi! Ôi Đức Mẹ Maria đồng trinh! Hãy bắn con đi! Hãy ngừng lại đi! Ngừng đi! Ngừng đi! Ôi Giêsu! Ôi Maria! Đủ rồi! Đau quá! Ôi!
Rồi anh tức tưởi nghẹn ngào :
- Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Rồi anh ta im bặt, cắn chặt vào tay mình. Khúc chân còn lại co rút lên.
- Chúa ơi! Chúa ơi! Tôi khum tay kêu lên. Tôi tìm cách lại gần Passini hy vọng có thể đặt băng cho cầm máu vào chân anh nhưng người tôi vẫn không cử động được. Tôi lại cố một lần nữa. Đôi chân tôi cử động được một tí, tôi có thể lấy đà và cố trườn tới bằng cánh tay và khuỷu tay. Lúc này Passini không còn cử động nữa. Tôi ngồi xuống cạnh anh ta, mở áo ngoài ra và cố xé một vạt áo sơ mi của tôi. Không đứt. Tôi ghé răng cắn vào chéo áo để xé cho dễ. Liền lúc đó tôi nhớ đến đôi xà cạp của Passini. Tôi mang bít tất bằng len và bây giờ Passini chỉ còn lại một chân. Tôi tháo chiếc xà cạp chân còn lại, và trong khi tháo, tôi thấy không cần phải buộc vải cầm máu lại nữa vì Passini đã chết hẳn rồi. Tôi tin chắc là anh đã chết. Bây giờ phải tìm cho ra ba người kia. Tôi ngồi thẳng lên. Khi ngồi dậy được, tôi cảm thấy có một cái gì chuyển động trong đầu và đập vào sau mắt, tựa hồ như ở đôi tròng mắt con búp bê. Tôi cảm thấy dưới chân ẩm ướt, bên trong đôi giầy cũng thế. Biết rằng mình đã bị thương, tôi cúi xuống và cố đặt tay lên đầu gối. Đầu gối tôi không có ở đó. Tay tôi không thấy gì và đầu gối ở dưới ống quyển. Tôi chùi tay vào áo sơ mi. Một tia sáng chập chờn từ từ chiếu xuống phía tôi. Tôi nhìn xuống chân và vô cùng kinh sợ. Tôi kêu lên :
- Chúa ơi! Hãy mang con ra khỏi chốn này!
Tuy nhiên tôi biết còn ba người nữa. Tất cả có bốn người lái xe. Passini đã chết, giờ còn ba. Một người lấy tay tôi và một người khác giở chân tôi lên.
- Còn ba người khác. Tôi bảo. Chết mất một người rồi!
- Manera đây, thưa trung uý. Chúng tôi đi kiếm một chiếc băng ca nhưng không có. Trung uý thấy trong người như thế nào?
- Gordini và Gavuzzi đâu rồi?
- Gordini đang được băng bó ở trạm, Gavuzzi đang giữ chân trung uý. Trung uý hãy ôm cổ tôi, trung uý bị thương có nặng lắm không?
- Ở chân. Còn Gordini?
- Không sao cả. Đó là một quả đạn lớn.
- Passini chết rồi.
- Vâng, anh ấy chết rồi.
Một quả trọng pháo rơi gần đó. Cả hai đều nằm xuống và làm ngã cả tôi.
- Xin lỗi Trung uý. Manera nói. Bây giờ trung uý hãy ôm cổ tôi để đừng rớt xuống đất.
- Rồi các anh lại làm ngã tôi nữa…
- Tại vì chúng tôi sợ quá.
- Các anh không bị thương à?
- Cả hai đứa, đứa nào cũng bị chút ít.
- Liệu Gordini lái xe có nổi không?
- Chưa biết được.
Trước khi tới trạm cứu thương họ lại đánh rơi tôi xuống đất một lần nữa.
- Các anh là đồ chó chết. Tôi bảo.
- Xin lỗi trung uý. Manera nói. Chúng tôi sẽ không đánh rơi trung uý nữa đâu.
Ở trạm cứu thương, phần lớn chúng tôi nằm la liệt dưới đất trong bóng đêm. Họ mang những người bị thương vào rồi lại mang những người này ra. Khi người ta mở tấm màn để họ mang các thương binh vào, tôi có thể thấy ánh sáng từ trạm cứu thương hắt ra. Những người chết được đặt nằm riêng một bên. Các bác sĩ đang làm việc, tay áo xắn lên tận vai, và người vấy đầy máu đỏ như những tay đồ tể. Ở đây không đủ cáng. Có vài người bị thương la hét om xòm, nhưng đa số đều im lặng. Gió thổi xào xạc qua cành lá trước cửa trạm cứu thương và đêm đã bắt đầu lạnh. Người ta khiêng thương binh tới liền liền. Họ đặt băng ca xuống, khiêng người bị thương ra rồi lại đi ngay. Khi tôi vừa tới trạm cứu thương thì Manera gọi một viên đội y tế để hắn băng bó cho hai chân tôi. Người này nói là đất bám vào vết thương nên máu ra ít. Họ sẽ băng bó cho tôi ngay. Anh ta trở vào trong trạm cứu thương. Lúc nãy, quân Anh có đến với ba chiếc xe Hồng thập tự và mỗi xe có hai người bị thương. Gordini đang ngồi cạnh bức tường gạch. Manera và Gavuzzi đi khiêng thương binh và đã trở lại trạm. Manera nói là Gordini không thể lái xe được nữa. Vai Gordini gãy nát và đầu hắn bị thương. Lúc đầu anh không cảm thấy đau đớn nhưng giờ đây một bên vai tê cứng. Một người trong số những người lái xe đến gần tôi, có cả Gordini đi cùng. Gordini trông tái nhợt và yếu. Người lái xe nghiêng mình xuống hỏi tôi :
- Trung uý bị thương có nặng lắm không?
Anh ta người cao lớn và mang kính gọng thép.
- Ở chân.
- Tôi tin là sẽ không nặng lắm. Trung uý có muốn hút thuốc không?
- Cám ơn.
- Tôi nghe họ bảo là trung uý mất hai người lái xe.
- Vâng, một bị chết và người kia vừa dẫn anh vào đây.
- Thật rủi quá. Trung uý có muốn chúng tôi phụ trách mấy chiếc xe này không?
- Đó chính là điều tôi muốn đề nghị.
- Chúng tôi sẽ trông nom xe cẩn thận và đưa về biệt thự. Trung uý ở số 206 phải không?
- Vâng.
- Nới ấy rất xinh và nên thơ. Trước đây tôi có thấy trung uý ở đấy. Tôi nghe họ nói trung uý là người Mỹ?
- Vâng.
- Còn tôi là người Anh.
- Có đúng không?
- Vâng, tôi là người Anh. Trung uý cho rằng tôi là người Ý à? Thật ra trong đơn vị chúng tôi cũng có mấy người Ý.
- Nếu được anh giữ xe hộ cho thì tốt lắm. Tôi bảo.
- Chúng tôi sẽ trông nom xe cẩn thận. Anh ta đứng lên và nói. Tôi lấy làm ái ngại cho vết thương của anh.
Anh ta vỗ vai Gordini.
Gordini nhăn nhó mỉm cười. Người Anh bật ra một tràng tiếng Anh thao thao bất tuyệt :
- Bây giờ mọi việc đã xong, tôi đã gặp trung uý của anh. Hai chiếc xe ấy để chúng tôi lo cho. Các anh đừng lo lắng gì cả...
Anh ta nói thêm :
- ... Tôi sẽ giúp đỡ mang anh ra khỏi chỗ này. Tôi sẽ tìm gặp các nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ mang anh theo chúng tôi.
Anh ta tiến về phía trạm cứu thương, cẩn thận bước giữa đám thương binh. Tôi thấy tấm màn vén lên. Ánh sáng ùa ra và anh ta bước vào.
- Anh ta sẽ săn sóc Trung uý. Gordini bảo.
- Franco, anh thấy trong người như thế nào?
- Không sao cả.
Gordini ngồi xuống cạnh tôi. Một lát sau tấm màn che của trạm cứu thương mở ra. Hai người tải thương đi theo người Anh cao lớn khi nãy. Anh dẫn họ lại phía tôi.
- Đây là viên trung uý người Mỹ
- Anh nói bằng tiếng Ý.
- Tốt hơn để tôi đợi một tí. Có nhiều người bị thương nặng hơn tôi. Tôi không sao cả.
- Này, này, đừng có làm ra vẻ anh hùng đấy nhé. Rồi anh ta nói tiếp bằng tiếng Ý. Nâng chân trung uý cẩn thận. Chân đau lắm đấy. Đó là con trai chính của tổng thống Wilson đấy.
Họ khiêng tôi lên đưa vào trạm. Người ta đang băng bó ở bàn. Viên thiếu tá nhỏ con nhìn tôi giận dữ. Ông ta nhận ra tôi. Ông cầm cái kẹp vẫy qua vẫy lại và hỏi bằng tiếng Pháp :
- Mạnh giỏi hả?
- Mạnh giỏi. Tôi đáp lại bằng tiếng Pháp.
- Tôi đưa ông ấy vào đấy. Người Anh cao lớn nói bằng tiếng Ý. Con trai cưng bậc nhất của đại sứ Mỹ đấy. Anh ta ở lại đây cho đến khi nào ông sẵn sàng cho phép anh ta đi. Rồi tôi sẽ đưa anh ta về ngay trong chuyến xe đầu tiên.
Anh ta cúi xuống nói với tôi :
- Tôi sẽ tìm viên phụ tá của họ để lo giấy tờ cho Trung uý và mọi việc sẽ được nhanh chóng hơn.
Anh khom người để bước ra khỏi cửa và đi ra ngoài. Viên thiếu tá đang tháo kẹp ra và bỏ vào chậu. Tôi đưa mắt theo dõi tất cả cử chỉ của ông. Bây giờ ông đang băng bó. Những người tải thương khiêng thương binh ra khỏi bàn băng bó.
- Để tôi băng bó cho viên trung úy. Một viên đại uý quân y nói.
Họ khiêng tôi lên bàn băng bó cứng và trơn. Nhiều mùi nồng nặc xông lên, mùi thuốc lẫn mùi máu. Họ lột quần tôi ra và viên đại uý bắt đầu đọc cho người phụ tá ghi chép trong khi ông ta xem xét :
- Có vô số vết thương nông bên trái và bên phải bắp đùi, nhiều vết thương sâu ở đầu gối, mặt và chân phải. Da đầu bị rách.
Ông ta sờ vào vết thương và hỏi :
- Đau không?
- Chúa ơi, đau lắm!
- Có thể vỡ sọ. Bị thương trong lúc thừa hành nhiệm vụ. Như thế khỏi bị đưa ra toà án quân sự vì tội tự làm mình bị thương... Ông ta bảo, rồi ông ta hỏi tôi ... Anh uống tí rượu mạnh nhé? Sao anh bị thương như thế? Lúc đó anh định làm gì vậy? Tự tử à?
Quay qua người phụ tá, ông ta bảo :
- Thêm một mũi phòng uốn ván, và đánh dấu thập lên cả đôi chân. Được rồi, cám ơn.
Rồi quay sang bảo tôi :
- Tôi lau rửa các vết thương rồi sẽ băng bó lại. Máu anh đông nhanh chóng cực kỳ.
- Bị thương vì cái gì? Người phụ tá ngẩng lên hỏi.
- Anh bị trúng đạn gì? Viên đại uý quân y hỏi tôi.
- Đạn moochiê rơi xuống hầm. Tôi trả lời trong lúc nhắm nghiền mắt lại.
Viên đại uý chùi rửa vết thương làm tôi đau đớn vô cùng. Ông ta vừa xé vải băng vừa hỏi :
- Có chắc không?
Tôi cố nằm im và cảm thấy tim đập liên hồi khi ông ta cắt thịt chỗ vết thương. Tôi trả lời :
- Chắc vậy.
Đại uý quân y vẫn chú ý vào công việc, nói :
- Anh bị trúng mảnh bích kích pháo của địch bắn sang. Để tôi dò vết thương lấy ra, nếu anh muốn, nhưng chuyện đó cũng chẳng cần gì, có nhức cũng không hại gì. Chưa đau ngay đâu. Này, mang cho anh ấy một cốc rượu. Cú sốc làm dịu đau, nhưng không sao đâu, anh đừng lo, nếu vết thương không bị nhiễm trùng và cũng ít khi bị lắm. Còn trên đầu anh cảm thấy thế nào?
- Chúa ơi, không thấy gì cả. Tôi đáp.
- Nếu thế thì không nên uống nhiều rượu mạnh. Nếu vỡ đầu thì đừng có uống rượu mạnh. Anh cảm thấy trên đầu như thế nào?
Mồ hôi ướt đẫm cả người, tôi trả lời :
- Chúa ơi, đau lắm.
- Tôi đoán chắc, đúng là anh bị vỡ sọ. Để tôi băng đầu anh lại, nhớ đừng cử động.
Đại uý băng đầu cho tôi, đôi tay cử động lanh lẹ, băng quấn thẳng và chắc. Ông nói :
- Xong rồi, tốt lắm, chúc anh may mắn. Nước Pháp muôn năm!
- Anh ta là người Mỹ. Một viên đại uý nói.
- Tôi cứ ngỡ anh ta là người Pháp vì nói thạo tiếng Pháp. Đại uý quân y nói. Trước đây tôi có biết và cứ ngỡ anh ta là người Pháp.
Anh ta uống nửa ly cô nhắc.
Họ chuyển thêm thương binh nặng vào và mang thuốc phòng uốn ván tới. Đại uý vẫy tay chào tôi. Họ lại khiêng tôi đi và khi ra phía ngoài, tấm màn cửa quét vào mắt tôi. Ở ngoài, người phụ tá cúi xuống gần tôi hỏi :
- Tên? Chữ lót? Họ? Cấp bậc? Nơi sanh trưởng? Giai cấp? Đơn vị? ... và nhiều thứ nữa.
Hắn nói :
- Tôi rất lấy làm buồn là trung uý bị thương ở đầu như thế. Tôi mong trung uý cảm thấy khá hơn. Tôi sẽ gởi trung uý theo xe cứu thương Anh về bệnh viện.
- Không sao đâu. Tôi đáp. Cám ơn anh nhiều lắm.
Cơn đau mà khi nãy viên đại uý có nói đến bắt đầu hành tôi. Và tôi không quan tâm đến chuyện gì xảy ra nữa.
Một lúc sau chiếc xe cứu thương Anh đến, họ đặt tôi vào chiếc băng ca, nâng lên ngang tầm xe và đẩy mạnh vào trong. Bên cạnh tôi có một chiếc băng ca nữa đã có người nằm trên rồi. Tôi nhìn thấy chiếc mũi vàng bóng ló ra ngoài băng và thở nặng nhọc. Người ta lại cho những chiếc băng ca khác lên, đút vào những giây đai ở phía trên. Người Anh cao lớn khi nãy đi quanh xe và nhìn vào trong nói :
- Tôi sẽ cho xe chạy nhẹ nhàng, mong rằng ông cảm thấy dễ chịu hơn.
Tôi nghe thấy tiếng động cơ nổ. Anh ta leo lên chỗ ngồi và tôi nghe thấy cả tiếng đạp thắng, tiếng nhấn ga và xe chạy. Tôi nằm im để mặc cho nỗi đau nhức dâng lên theo nhịp xe.
Xe lao dốc chậm lại, vì đường đông, có lúc nó ngừng, có lúc lùi vào chỗ ngoặt. Cuối cùng xe chạy hết tốc lực. Bất chợt tôi cảm thấy có cái gì nhỏ giọt xuống người tôi. Thoạt tiên còn chậm và đều, sau rồi tuôn xuống xối xả. Tôi gọi người lái xe. Anh ngừng xe lại và nhìn vào trong xe qua cái lỗ phía sau chỗ ngồi.
- Cái gì thế?
- Người nằm phía trên tôi bị chảy máu.
- Chúng ta đang ở trên cao. Tôi không thể nào chuyển băng ca một mình được.
Anh cho xe chạy tiếp. Dòng máu vẫn tiếp tục xối xuống. Trong bóng tối, tôi không thể nhìn ra nơi những giọt máu tuôn xuống ở vải của chiếc băng ca phía trên đầu tôi. Tôi cố xê người qua một bên để tránh đừng rơi xuống trúng người. Chỗ máu chảy xuống dưới áo sơ mi nóng và rít. Tôi thấy lạnh và chân đau nhức đến nỗi tôi sợ bị ngất. Một lúc sau máu ở phía trên chảy chậm đi rôi sau đó lại tuôn xối xả. Tôi nghe thấy tiếng vải phía trên tôi chuyển động khi người nằm trên đó tìm cách nằm cho thoải mái hơn.
- Hắn có hề gì không? Người lái xe Anh hỏi lại phía sau. Chúng ta sắp đến nơi rồi.
- Có lẽ hắn đã chết rồi. Tôi đáp.
Những giọt máu rơi chậm dần giống như những giọt thạch nhũ rơi sau khi mặt trời lặn. Giữa đêm trường, trong xe lạnh lẽo trên con đường dốc. Đến trạm đầu dốc, họ khiêng chiếc băng ca khi nãy ra rồi đẩy một cái khác vào.
Lời giới thiệu
Phần dẫn 1
Phần dẫn 2
Chương : 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15
Chương : 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30
Đoạn kết