Giã từ vũ khí
Tác giả : Ernest Hemingway
Thể loại : Truyện kinh dị
Nguồn : Truyen.blogspot.com
Quốc gia : Mỹ
Blog : Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay
Người đăng : Hồ Vũ Tuấn Anh
Ngày đăng : 21/12/2010
Một lát sau chúng tôi đi theo con đường dẫn tới một con sông. Một hàng dài xe hơi và xe bò bị bỏ lại trên con đường đó. Con đường dẫn đến một cây cầu. Quanh đấy không một bóng người. Nước sông dâng cao và người ta đã đánh sập nhịp cầu ở giữa.
Nhịp cầu bằng đá và bị đổ sụp xuống sông, dòng nước màu nâu đang chảy phủ qua. Chúng tôi đi dọc theo bờ sông để tìm một lối sang. Tôi biết phía trên có một chiếc cầu đường sắt và tôi nghĩ có thể dùng nó để đi qua sông. Con đường đầy bùn lầy và ướt át. Không có một đội quân nào cả mà chỉ có những chiếc xe và vật liệu bị bỏ lại. Trên bờ sông không một bóng người mà chỉ có những cành cây ướt sũng và bùn lầy. Chúng tôi lần theo bờ sông và cuối cùng tìm thấy chiếc cầu.
- Cây cầu đẹp thật – Aymo khen.
- Đó là một chiếc cầu xe lửa tầm thường bắc ngang qua một lòng sông khô cạn.
- Chúng ta nên nhanh chân qua bên kia sông trước khi họ cho nổ mìn phá sập cây cầu này – tôi bảo.
- Có còn ai đâu để phá cầu, họ đã đi hết rồi – Piani bảo.
- Có thể họ đã gài mìn sẵn, trung uý sang trước đi – Bonello nói với tôi.
- Nghe này anh chàng vô chính phủ, cho hắn sang trước đi – Aymo nói.
- Tôi sẽ sang trước – tôi bảo – người ta không gài mìn nổ khi chỉ có một người chạm phải thôi.
- Tôi hiểu- Piani nói – Lập luận đúng đấy. Cậu không có óc hả tên vô chính phủ?
- Nếu tôi là kẻ thông minh, tôi không có mặt tại đây – Bonello nói.
- Được lắm trung uý ạ - Aymo bảo.
- Vâng, thật là chí lý – tôi nói.
Chúng tôi đến sát cây cầu, trời phủ đầy mây và mưa đã lấm tấm rơi. Cây cầu trông dài ra và có vẻ chắc chắn. Chúng tôi leo lên mô đất cao.
- Nào chúng ta cùng đi một lượt – tôi vừa nói vừa vượt lên cây cầu.
Tôi nhìn kỹ những thanh tà vẹt và đường sắt xem có dấu vết dây điện hay thuốc nổ gì không, nhưng tuyệt nhiên không có gì cả. Dưới chân tôi giữa những thanh tà vẹt, nước vẫn đục màu bùn và cuồn cuộn chảy. Trước mặt chúng tôi qua cảnh miền quê ẩm ướt, tôi có thể trông thấy thành Udine qua làn mưa. Tôi nhìn phía bên kia cầu. Ở thượng nguồn, rất gần, lại có một cây cầu khác. Trong khi tôi còn đang xem xét thì một chiếc xe màu vàng xỉn tiến lại gần. Vì hai bên thành cầu cao cho nên khi chiếc xe chạy vào cầu là thân xe bị che khuất mắt ngay. Tuy nhiên tôi vẫn kịp trông thấy được đầu của người lái và người ngồi bên cạnh và hai người nữa ngồi ở phía sau. Họ đều đội mũ sắt của Đức. Rồi chiếc xe vượt thẳng qua cầu và mất hút sau hàng cây và những chiếc xe vô chủ nằm bên đường. Tôi ra hiệu cho Aymo đang vượt qua cầu và hai anh kia theo tôi. Tôi bước xuống và ngồi xổm xuống chân dốc. Aymo theo sát tôi.
- Anh có thấy chiếc xe chứ? – tôi hỏi.
- Không, tôi mải nhìn theo trung uý.
- Một chiếc xe của bộ tham mưu Đức vừa vượt ngang cầu.
- Xe của bộ tham mưu à?
- Phải.
- Đức Mẹ đồng trinh ơi!
Hai anh kia tới và bốn chúng tôi ngồi xổm nép người sau mô đất, san sát chiếc cầu, đường sắt, hàng cây, hầm hố và con đường.
- Trung uý cho là chúng ta bị bao vây à?
- Tôi không biết. Tôi chỉ biết là có một chiếc xe của bộ tham mưu Đức vừa chạy qua con đường này.
- Trung uý không cảm thấy buồn cười sao? Trung uý không có cảm giác gì lạ trong đầu sao?
- Đừng đùa nữa Bonello.
- Ta uống tí đã nào – Piani đề nghị - nếu chúng ta bị bao vây ở đây, chúng ta nên uống một chầu.
Anh ta lấy bi đông và mở nút.
- Trông kìa, trông kìa – Aymo kêu lên.
Dọc theo thành cầu, chúng tôi thấy nhiều mũ sắt của bọn Đức tiến lại. Chúng khom mình ra phía trước và tiến một cách chậm chạp gần như siêu việt. Khi họ ra khỏi cầu, thì ra đó là một đoàn quân đi xe đạp. Tôi trông thấy mặt hai tên dẫn đầu. Chúng trông có vẻ hồng hào và khoẻ mạnh. Mũ sắt của chúng hạ thấp xuống tận trán và hai bên má. Chúng treo súng ở bên khung xe đạp. Những quả lựu đạn treo lủng lẳng ở thắt lưng. Mũ sắt và quân phục xám của chúng ướt đẫm nước mưa. Chúng đạp xe một cách thong thả, mắt nhìn về phía trước và hai bên đường. Có hai tên dẫn đầu rồi dàn một hàng bốn tên, rồi hai tên nữa, kế đó là một toán khoảng mười hai tên, tiếp theo là một toán khác mười hai tên và một tên đi cuối cùng. Chúng không chuyện trò mà chúng tôi cũng không nghe được gì vì tiếng nước chảy. Chẳng mấy chốc chúng khuất dạng trên đường.
- Ôi Đức Mẹ đồng trinh ơi! – Aymo kêu lên.
- Tụi nó là bọn Đức chứ không phải bọn Áo – Piani nói.
- Tại sao ở đây không ai chận chúng lại? – Tôi hỏi – Tại sao người ta không cho đánh sập cây cầu này? Tại sao không cho đặt liên thanh dọc theo mô đất này?
- Không phải với chúng tôi trung uý hỏi điều ấy.
Tôi rất tức giận.
- Bọn quỷ quyệt này điên cả. Chúng giật sập một cây cầu con chẳng quan trọng gì ở thượng nguồn và để ở lại đây gần đường cái, một chiếc cầu khác. Chúng đi đâu cả rồi? Sao ta lại không cố chận đứng chúng lại?
- Không phải với chúng tôi trung uý hỏi điều ấy – Bonello nói tiếp.
Tôi im lặng. Dù sao việc đó có can hệ gì đến tôi. Tôi có nhiệm vụ phải đem ba chiếc xe Hồng thập tự đến Pordenone. Tôi đã không hoàn thành. Tôi chỉ có mỗi một việc phải làm là tôi phải tới Pordenone. Cũng có thể tôi không thể tới nổi Udine được. Thực ra tại sao tôi không làm được? Điều quan trọng là giữ nguyên lòng dũng cảm, đừng để bị giết, bị bắt.
- Bi đông anh có mở nút sẵn không? – tôi hỏi Piani. Anh ta trao bi đông cho tôi và tôi tu một hơi dài – Chúng ta có thể đi ngay được tuy nhiên không vội lắm. Các anh muốn ăn gì không?
- Đây không phải là chỗ nghỉ ngơi – Bonello nói.
- Chúng ta đi vậy.
- Có phải ở lại chỗ khuất này không?
- Tốt hơn là chúng ta nên đi lên trên. Bọn chúng cũng có thể đến cây cầu này và tôi không muốn trông thấy họ hiện ra thình lình phía trên chúng ta.
Chúng tôi đi theo đường sắt. Cánh đồng ướt át trải ra hai bên. Trước mặt chúng tôi là đầu cánh đồng, ngọn đồi và tháp chuông Udine vươn lên sừng sững. Chúng tôi có thể nhìn rõ nhà thờ và gác chuông. Dâu mọc nhiều ở khắp cánh đồng. Xa xa phía trước tôi thấy một khoảng đường sắt bị phá. Các thanh tà vẹt cũng bị đào và hất tung xuống phía dưới mô đất.
- Nằm xuống! Nằm xuống mau! – Aymo chợt bảo.
Chúng tôi nằm dán mình xuống sau mô đất. Một đoàn xe đạp khác nữa qua cầu. Tôi nhìn phía trên ụ đất và thấy chúng đi xa.
- Chúng đã trông thấy chúng ta nhưng chúng vẫn tiếp tục đi – Aymo bảo.
- Chúng ta có thể bị tiêu diệt ở nơi này, trung uý ạ - Bonello nói.
- Chúng cần gì phải giết bọn ta ở đây, chúng còn việc gì khác làm hơn. Chúng ta sẽ nguy hiểm hơn nữa nếu bọn chúng thình lình chộp được chúng ta.
- Tôi muốn đi khỏi nơi này bằng đường chiến lũy – Bonello nói.
- Tuỳ anh – tôi đáp – chúng ta sẽ đi theo đường sắt này.
- Trung uý có tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được không? – Aymo hỏi.
- Chắc chắn là phải được. Chúng chưa đông lắm. Chiều tối chúng ta sẽ vượt qua trong bóng đêm.
- Chiếc xe của bộ tham mưu đó đang làm gì?
- Tôi cóc biết – tôi bảo.
Chúng tôi đi theo đường sắt. Bonello đã thấm mệt vì phải lội trong bùn lầy của chiến luỹ, leo lên đi với chúng tôi. Đường xe lửa đi chếch về phía Nam, xa dần đường cái nên chúng tôi không thể trông thấy những gì xảy ra trên đường ấy. Chúng tôi đến một chiếc cầu nhỏ bắc qua con kênh, cầu đã bị phá huỷ nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được nhờ vào những vòm cầu còn sót lại. Chúng tôi nghe thấy tiếng súng nổ ở phía trước.
Chúng tôi lại tiếp tục tiến dọc theo con đường sắt phía bên kia con kênh. Nó chạy thẳng hướng thành phố, xuyên qua cánh đồng. Ở phía trước, chúng tôi có thể nhìn thấy một đường sắt khác nữa. Về hướng Bắc là con đường cái mà chúng tôi đã trông thấy đoàn xe đạp chạy qua lúc nãy, và về hướng Nam một con đường nhánh băng ngang cánh đồng giữa hai hàng cây dày đặc. Tôi nghĩ là nên đi tắt về hướng Nam sau khi vòng qua thành phố rồi băng qua cánh đồng thẳng tới Compoformio, và con đường chính dẫn tới con sông Taglimento. Chúng tôi có thể tránh được dòng rút lui chếch bằng cách tiếp tụctheo những con đường làng, phía bên kia Udine. Tôi biết là cánh đồng có nhiều ngả tắt. Tôi đi xuống gò đất.
- Lại đây – tôi nói – chúng ta thử đi theo con đường này tiến về phía Nam thành phố.
Tất cả bốn chúng tôi đều đi xuống sườn gò đất. Từ phía con đường tắt, một phát đạn bay về phía chúng tôi và cắm phập vào gò đất.
- Quay lại! – tôi la lớn.
Tôi leo lên trong bùn lầy trơn tuột. Ba người lái xe đang ở trước mặt tôi. Tôi cố leo thật mau. Hai phát súng nữa nổ từ sau bụi rậm và Aymo đang băng qua đường sắt, lảo đảo, sẩy chân ngã sấp úp mặt xuống đường. Chúng tôi kéo anh sang phía bên kia và đặt nằm ngửa.
- Phải đặt đầu anh cao lên – tôi bảo.
Piani quay người anh. Anh ta nằm dưới bùn lầy của gò đất, đôi chân thòng xuống thấp. Hơi thở của anh không đều và mỗi lần thở máu lại trào ra đàng mũi. Cả ba chúng tôi đều cúi mình xuống gần anh. Trời vẫn mưa. Anh bị thương vào gáy, viên đạn xuyên lên phía trên và trổi ra gần mắt phải, Aymo đã chết trong khi tôi đang bịt lại hai vết thương. Piani đặt đầu anh xuống, lau mặt anh bằng một mẩu băng cứu thương và, thế là hết.
- Quân tàn nhẫn – Piani càu nhàu.
- Không phải bọn Đức – tôi nói – Không thể có bọn Đức ở nơi này.
- Tụi Ý – Piani dùng tiếng hình dung từ Ý “Italiani”.
Bonello không nói gì cả. Anh ngồi bên cạnh xác Aymo nhưng mắt không nhìn Aymo. Piani nhặt chiếc mũ của Aymo đã rơi xuống đất và đậy lên mặt bạn. Anh gỡ chiếc bi đông của Aymo ra.
- Anh uống không? – Piani nói rồi đưa bi đông cho Bonello.
- Không – Bonello trả lời rồi quay sang tôi.
- Điều này cũng có thể xảy đến với chúng ta trên đường sắt.
- Không đâu – tôi đáp – Vì chúng ta đã đi trên cánh đồng.
Bonello lắc đầu.
- Aymo đã chết, rồi sẽ tới lượt ai nữa đây trung uý? Chúng ta làm gì bây giờ?
- Chính là bọn Ý đã bắn Aymo – tôi nói – chứ không phải bọn Đức.
- Tôi nghĩ rằng nếu là bọn Đức thì họ đã giết sạch chúng ta rồi – Bonello bảo.
- Tụi Ý còn nguy hiểm hơn là tụi Đức nữa – tôi bảo – Hậu vệ thì sợ tất cả. Bọn Đức biết rõ điều chúng muốn.
- Trung uý lý giải hay đấy – Bonello bảo.
- Chúng ta làm gì bây giờ? – Piani nói.
- Tốt hơn là mình ẩn đâu đây để chờ trời tối. Nếu chúng ta có thể đi về hướng Nam thì thật là hoàn hảo.
- Họ sẽ giết sạch cả ba chúng mình để chứng tỏ rằng họ có lý ngay lần đầu – Bonello nói – Tôi không muốn tạo điều kiện cho chúng làm thế.
- Cố tìm một chỗ ẩn càng gần Udine càng hay. Chúng ta sẽ qua sau khi trời tối.
- Nào, chúng ta đi chứ - Piani giục.
Chúng tôi đi dọc theo phía Bắc con đường dốc. Tôi nhìn lại phía sau, Aymo nằm sõng sượt dưới bùn lầy trên triền gò đất. Trông anh ta thật nhỏ bé, đôi tay xuôi theo người, đôi chân quấn xà cạp, đôi giầy bết đầy bùn khép chặt vào nhau, chiếc mũ phủ kín mặt. Anh chỉ còn là một cái xác không hồn. Trời vẫn mưa. Tôi mến thương Aymo hơn tất cả những người mà tôi đã từng quen biết. Tôi cất giấy tờ của anh vào trong ví và sẽ báo tin cho gia đình anh hay. Phía trước mặt chúng tôi, bên kia thửa ruộng, một trang trại có cây cối bao bọc xung quanh với những gian phụ tiếp giáp. Một bao lơn có hàng cột đỡ ở tầng lầu thứ nhì.
- Chúng ta nên đi cách khoảng nhau một tí – tôi nói – Tôi sẽ dẫn đầu.
Tôi tiến về phía trang trại theo một con đường xuyên qua thửa ruộng.
Trong lúc băng qua thửa ruộng, tôi thầm nghĩ, nếu có kẻ nào từ phía sau hàng cây quanh trang trại hoặc từ chính trong trang trại có thể bắn vào chúng tôi cũng nên. Tôi tiến lại gần và trông rõ ngôi nhà lơn. Bao lơn trên tầng thứ hai thông đến vựa cỏ và những bó cỏ khô lộ ra giữa những hàng cột. Sân lát gạch và nước mưa nhỏ giọt ở tất cả các cây. Một chiếc xe bò lớn, trống rỗng, hai càng chổng lên cao dưới mưa. Tới sân trại, tôi băng qua và ẩn mình dưới bao lơn. Cửa chính ngôi nhà mở. Tôi liền đi vào, Piani và Bonello đi theo tôi. Bên trong tối om. Tôi ra nhà bếp. Có nhiều tro trong lò. Nồi treo phía trên nhưng rỗng không. Tôi sục khắp nơi nhưng không có gì để ăn cả.
- Chúng ta nên leo lên nằm trên vựa cỏ. Piani, nếu anh có thể kiếm cái gì ăn được thì anh mang lên trên ấy nhé?
- Để tôi xem – Piani đáp.
- Tôi cũng sẽ đi kiếm nữa – Bonello nói.
- Tốt lắm. Để tôi lên xem vựa cỏ ra sao – tôi nói.
Tôi thấy một cầu thang đá từ dưới chuồng gia súc đi lên. Giữa trời mưa tầm tã, chuồng gia súc xông lên mùi cỏ khô khan dễ chịu. Gia súc không có trong chuồng, có lẽ họ đã dẫn chúng theo khi chạy trốn. Cỏ chỉ dày nửa vựa thôi. Có hai cửa sổ trên mái ngói, một cái được chặn bằng những tấm ván, còn cái kia ở về hướng Bắc chỉ là một cái cửa tò vò nhỏ. Có một cái khe trượt để dùng ném cỏ xuống cho gia súc. Các cây xà xuyên qua cửa sập dưới đó xe bò chở cỏ ngừng lại và cho cỏ lên vựa. Tôi lắng nghe mưa rơi trên mái ngói, và khi bước xuống tôi ngửi thấy mùi phân khô dễ chịu trong chuồng. Chúng tôi có thể đẩy tấm ván lên để nhìn ra ngoài sân bằng một trong hai cửa sổ này hoặc đi xuống phía dưới, hay chạy,thoát ra ngoài bằng cái khe trượt cỏ trong trường hợp cầu thang không dùng được. Vựa cỏ rất lớn. Chúng tôi có thể trốn trong cỏ khô nếu chúng tôi trông thấy ai. Thật là một chỗ rất thuận tiện. Tôi tin chắc rằng chúng tôi có thể đi về phía Nam nếu không bị đạn nã theo sau lưng. Không thể có bọn Đức ở gần đâu đây. Bọn chúng từ hướng Bắc tới và theo con đường Cividale. Chúng không thể đi ngang qua đây từ hướng Nam. Bọn Ý thì nguy hiểm hơn nhiều. Họ hay sợ sệt và nã súng vào những gì chúng khả nghi. Đêm trước, trong khi lui quân, chúng tôi có nghe kể rằng có nhiều tên Đức mặc đồng phục Ý trà trộn trong đoàn quân rút lui. Tôi không tin điều đó. Người ta thường kể như thế trong tất cả các cuộc chiến tranh. Đó là một trong những điều kẻ thù hay làm. Đó là một torng những việc mà ta thường hay nghe nói đến trong các trận giặc, và quân thù luôn luôn tìm cách thực hiện. Ta không bao giờ nghe nói đến người nào mặc đồng phục Đức để gây lộn xộn trong hàng ngũ của chúng. Cũng có thể họ đã làm được nhưng đối với tôi việc đó vô cùng khó khăn. Tôi không tin bọn Đức làm điều đó. Tôi không thấy tại sao chúng đã làm như vậy. Không cần phải làm rối loạn cuộc rút lui của chúng ta. Khuôn khổ của quân đội và tình trạng thiếu đường xá đã làm điều đó rồi. Không ai ra lệnh gì cả. Họ đã để yên cho bọn Đức muốn làm gì thì làm. Trong khi đó họ coi chúng tôi là bọn Đức và giết chúng tôi. Họ đã giết chết Aymo. Cỏ khô xông lên một mùi thơm và nằm trong vựa cỏ như thế cũng đủ làm cho chúng tôi quên đi những năm tháng đã qua. Chúng tôi đã từng nằm trong cỏ khô như thế đã bao lần để nói chuyện tâm tình và bắn chim sẻ bằng những cây súng hơi, khi chúng đậu trong hốc tam giác ở mãi tít trên cao bức tường của vựa cỏ. Bây giờ vựa cỏ đã không còn, trong một năm qua họ đã đốn sạch khu rừng thông, chỉ còn trơ lại gốc và cành khô dùng để nhóm lửa. Bây giờ không thể nào lùi lại được nữa. Nếu chúng tôi không tiến lên được thì việc gì sẽ xảy ra? Không còn nghĩ đến việc trở lại thành Milan nữa. Và nếu trở lại Milan thì sẽ ra sao? Tôi lắng nghe tiếng súng nổ ở phía Bắc, hướng Udine. Tôi nhận ra được cả tiếng súng liên thanh. Không có trọng pháo. Chắc đã có chuyện gì xảy ra. Họ phải chặn bắt một vài toán quân trên đường. Xuyên qua ánh sáng lờ mờ trong vựa cỏ, tôi nhận ra Piani đang đứng dưới cái cửa sập. Anh ta cầm trên tay một khúc dồi dài, một hũ gì nữa và hai chai rượu.
- Lên đây nào, cây thang đây này – tôi nói.
Rồi vì thấy anh ta bận mang nhiều thứ nên tôi nghĩ rằng nên giúp anh ta và tôi bèn leo xuống. Lúc nãy nằm trên cỏ khô tôi mơ màng và gần thiêm thiếp ngủ.
- Bonello đâu rồi? – tôi hỏi.
- Tôi sẽ nói với Trung uý sau – Piani trả lời.
Chúng tôi leo lên thang. Lên đến trên, chúng tôi để các thứ xuống cỏ khô. Piani rút con dao ra và mở một chai rượu.
- Cái chai có dấu, chắc là rượu ngon – anh ta vừa nói vừa mỉm cười.
- Bonello đâu rồi? – tôi hỏi.
Piani nhìn tôi.
- Bonello đi mất rồi, trung uý ạ. Anh ta muốn đầu hàng.
Tôi không nói gì cả.
- Anh ta sợ chúng ta sẽ bị giết.
Tôi cầm chai rượu lặng thinh.
- Còn chúng ta, trung uý đã biết, không còn gì mà tin tưởng vào chiến tranh nữa.
- Vậy tại sao anh không đi? – tôi hỏi.
- Vì tôi không nỡ rời trung uý.
- Bonello đi đâu?
- Tôi không biết trung uý ạ. Hắn đã đi rồi.
- Thôi được, anh cắt dồi đi chứ - tôi nói.
Piani nhìn tôi trong tranh tối tranh sáng.
- Tôi đã cắt dồi trong khi nói chuyện với trung uý.
Chúng tôi ngồi trên cỏ khô, ăn dồi và uống rượu. Có lẽ rượu này dành cho đám cưới cho nên rượu quá cũ và nhạt.
- Anh canh ở cửa sổ này nhé Luigi – tôi nói – còn tôi sẽ quan sát ở cửa sổ bên kia.
Chúng tôi uống sạch mỗi người một chai rượu. Tôi nằm sấp trên cỏ rơm, cặp nách chai rượu và nhìn qua cửa tò vò nhỏ hẹp cánh đồng ướt át ngoài kia. Không biết tôi hy vọng trông thấy được những gì, nhưng chắc chắn là tôi sẽ không trông thấy gì ngoài cánh đồng mênh mông, những cây dâu trụi lá và mưa đang rơi. Tôi uống rượu mà không thấy say. Họ đã để dành nó quá lâu khiến nó mất đi cả phẩm chất lẫn màu mè. Tôi nhìn màn đêm buông xuống nhanh chóng quá. Đêm sẽ rất tối với trận mưa này. Trong cảnh tối om như thế này còn canh gác làm gì nữa, tôi bèn đi kiếm Piani. Anh ta đã lăn ra ngủ rồi. Tôi không đánh thức anh ta mà ngồi xuống bên cạnh. Đó là một anh chàng vạm vỡ và đang ngủ say sưa. Mấy phút sau tôi đánh thức anh dậy và chúng tôi tiếp tục lên đường.
Thật là một đêm lạ lùng. Tôi không biết tôi đã tưởng tượng những gì, có thể là cái chết, những tiếng súng trong đêm tối, cuộc chạy trốn. Nhưng không có gì xảy ra cả. Chúng tôi nằm sát xuống cái hố bên cạnh con đường cái, chờ cho tiểu đoàn Đức đi qua. Khi chúng đã khuất, chúng tôi mới băng qua đường và lao về hướng Bắc. Chúng tôi hai lần đến sát bên bọn Đức nhưng nhờ trời mưa nên chúng không trông thấy. Chúng tôi băng qua thành phố tiến về hướng Bắc nhưng không gặp một bóng người Ý nào cả. Và ít lâu sau chúng tôi nhập vào trong một trong những đoàn rút quân chính. Chúng tôi đi suốt đêm theo hướng Tagliamento. Tôi không thể hình dung được đoàn rút lui đông đảo đến mức nào. Không phải chỉ quân đội mà là cả một xứ sở chạy trốn. Chúng tôi đi suốt đêm, nhanh hơn cả xe nữa. Chân đau nhức, tôi mệt lả nhưng chúng tôi đi dẻo chân. Bonello thật là ngu ngốc khi đầu hàng quân thù. Chẳng có gì nguy hiểm cả. Chúng tôi đã vượt qua hai toán quân địch mà không có chuyện gì xảy ra cả. Nếu Aymo không bị giết, chúng tôi không ngờ rằng sẽ gặp nguy hiểm. Không ai ngạc nhiên khi chúng tôi đi công khai trên đường sắt. Cái chết xảy ra bất ngờ mà không ai hiểu được. Tôi tự hỏi không biết bây giờ Bonello đang ở đâu.
- Trung uý cảm thấy thế nào? – Piani hỏi.
Chúng tôi đang đi dọc theo lề đường đầy xe cộ và lính.
- Tốt.
- Tôi đi chán cả chân.
- Nhưng bây giờ chúng ta không còn cách nào khác. Đừng dằn vặt nữa.
- Bonello là một thằng ngốc.
- Đúng, hắn là một thằng ngốc.
- Trung uý sẽ đối phó với Bonello như thế nào?
- Tôi cũng không biết nữa.
- Xin trung uý coi như là hắn bị mất tích được không?
- Chưa biết được.
- Trung uý có thấy không, nếu chiến tranh cứ còn kéo dài mãi thì điều đó sẽ gây buồn khổ không ít cho gia đình.
- Tôi sẽ không báo cáo gì cả để tránh phiền lụy cho gia đình anh ta.
- Nếu chiến tranh chấm dứt thì việc đó không có gì quan trọng – Piani nói – Nhưng tôi tin là nó chưa chấm dứt. Nếu chiến tranh chấm dứt thì thật là hay.
- Không lâu nữa chúng ta sẽ biết – tôi nói.
- Tôi không tin chiến tranh sẽ chấm dứt. Tất cả mọi người đều tin rằng chiến tranh sẽ chấm dứt, nhưng riêng tôi, tôi không tin.
- Hoan hô hoà bình! – một người lính hô to – Chúng ta đi về nhà chúng ta.
- Nếu tất cả chúng ta đều được trở về với gia đình thì tuyệt biết bao! – Piani nói – Anh không thích được trở về quê hương anh sao?
- Thích chứ.
- Điều đó sẽ không bao giờ đến. Tôi không tin rằng chiến tranh sẽ chấm dứt.
- Nào, ta đi thôi.
Chúng tôi vượt qua hai chiếc xe cứu thương Anh bị bỏ lại trong đoàn xe.
- Mấy chiếc xe này từ Gorizia đến. Tôi nhận ra chúng rồi.
- Chúng chạy xa hơn xe chúng ta một chút.
- Họ khởi hành sớm hơn.
- Tôi lấy làm lạ, không biết những người lái xe đâu.
- Có lẽ họ đã bỏ đi trước hết rồi.
- Bọn Đức đã dừng lại trước Udine – tôi nói – Tất cả những người kia sẽ vượt qua sông.
- Vâng – Piani nói – Vì thế tôi tin rằng chiến tranh vẫn còn tiếp tục.
- Tôi lấy làm lạ là tại sao bọn Đức có thể tiến binh được mà chúng không tiến – tôi nói.
- Tôi không hiểu. Tôi không hiểu gì cả về cuộc chiến tranh này.
- Chắc họ phải chờ đợi các phương tiện chuyên chở - tôi phỏng đoán.
- Tôi không biết – Piani nói.
Nếu chỉ có một mình anh ta tỏ ra dịu dàng hơn. Trước mặt nhiều người khác thì anh nói năng thô bạo.
- Anh lập gia đình chưa Luigi?
- Trung uý thừa biết là tôi đã có vợ rồi.
- Có phải vì thế mà anh không muốn bị bắt làm tù binh không?
- Đó cũng là một lý do. Còn trung uý đã lập gia đình rồi chứ?
- Chưa.
- Cả Bonello cũng chưa nữa. Việc lập gia đình không có gì quan trọng cả. Nhưng tôi thiết nghĩ một người đã có vợ thì có ước muốn được trở về với vợ con của họ. Tôi thích bàn chuyện phụ nữ lắm.
- Phải.
- Chân trung uý thế nào?
- Chúng làm tôi hơi đau.
Khi chúng tôi tới bờ sông Tagliamento, thì trời vẫn chưa sáng hẳn. Chúng tôi đi dọc theo con sông nước lớn, đến tận cầu nơi qua lại đông đảo nhất.
- Người ta phải phòng thủ sau con sông này – Piani nói.
Trong bóng đêm, trông nước sông có vẻ dâng cao. Nước cuộn xoáy và trải rộng ra. Cây cầu gỗ nằm cách đó chừng ba phần tư dặm và con sông với dòng nước bình thường chỉ là một dòng nhỏ chảy trong lòng sông nông đầy sỏi, rất thấp dưới gầm cầu, giờ đây gần chạm vào các thành cầu bằng gỗ. Chúng tôi đi dọc theo bờ sông rồi nhập vào đám đông đi qua cầu. Tôi tiến chậm chạp dưới mưa, chỉ cách mặt nước một chút. Tôi nhìn con sông qua lan can cầu. Lúc bấy giờ tôi không thể nhích được một bước nào nữa và người mệt lả. Việc sang sông không vui thú chút nào cả. Tôi tưởng tượng hậu quả của một vụ oanh tạc bằng phi cơ có thể xảy ra khi trời sáng hẳn.
- Piani – tôi gọi.
- Dạ tôi đây, trung uý.
Anh ta đứng trước tôi một chút, trong đám đông. Không ai nói gì cả, tất cả mọi người đều nghĩ đến việc qua sông càng sớm càng hay. Chỉ có mỗi một ý nghĩ đó thôi. Chúng tôi hầu hết đều qua được sông. Phía bên kia đầu cầu, nhiều sĩ quan và hiến binh đang đứng ở hai bên đường, tay cầm đèn điện. Tôi thấy bóng họ in trên nền trời. Khi chúng tôi tới gần sát bên họ, tôi thấy một viên sĩ quan trỏ một người trong đám đông. Một hiến binh chen vào trong đám đông nắm tay lôi người đó ra ngoài. Chúng tôi tới gần, đối diện với họ. Các sĩ quan đang xem xét kỹ lưỡng từng người trong đám đông. Đôi khi họ thì thầm với nhau và bước tới rọi đèn vào mặt một người. Họ lôi một người nữa ngay khi chúng tôi đi ngang qua đó. Tôi thấy rõ người ấy. Ông ta là một trung tá. Tôi thấy mấy ngôi sao trên tay áo ông khi ánh đèn rọi vào. Ông ta mập và lùn. Người hiến binh đẩy ông ta ra phía sau hàng sĩ quan. Khi chúng tôi đi qua, trong bọn tôi thấy một trong hai người nhìn tôi rồi một người trỏ tôi và nói với người hiến binh. Tôi thấy anh ta bước tới và nắm lấy cổ áo tôi.
- Anh muốn gì? – vừa nói tôi vừa đấm vào mặt hắn.
Tôi thấy mặt hắn dưới vành mũ, râu vểnh và một dòng máu chảy dài xuống má. Một người khác nhảy bổ vào tôi.
- Các anh muốn gì? – tôi hỏi.
Hắn ta không trả lời. Hắn ta đang lừa thế để tóm tôi. Tôi cho tay ra phía sau để móc khẩu súng lục.
- Anh không biết rằng anh không có quyền chạm đến một sĩ quan à?
Một tên khác chụp phía sau lưng tôi và kéo tay tôi vặn tréo lại đưa lên trời, Tôi quay người theo hắn trong khi một tên khác tóm lấy cổ tôi. Tôi đá vào xương ống quyển và thúc đầu gối vào hạ bộ của hắn.
- Bắn chết nó đi nếu nó kháng cự - một người nào đó nói.
- Như thế này là nghĩa lý gì? – tôi cố la to lên nhưng giọng tôi bị lạc hẳn đi. Tôi đã ở bên vệ đường.
- Bắn chết nó đi nếu nó kháng cự - một viên sĩ quan nói – Lôi hắn trở ra phía sau.
- Anh là ai?
- Quân cảnh – một viên sĩ quan khác nói.
- Tại sao không để cho tôi đi qua mà lại cho mấy “phi cơ” này chụp tôi như vậy?
Họ không trả lời. Họ không cần trả lời tôi, họ thuộc lực lượng quân cảnh.
- Lôi hắn ra phía sau cùng với bọn kia – viên sĩ quan thứ nhất nói – xem hắn nói tiếng Ý còn nặng lắm đấy.
- Anh cũng thế, đồ chó chết – tôi bảo.
- Đưa hắn ta ra phía sau cùng với bọn kia – viên sĩ quan thứ nhất nói.
Họ dẫn tôi ra phía sau hàng sĩ quan tới một nhóm người đang chờ đợi trên cánh đồng cạnh con sông. Trong khi chúng tôi đang đi thì nghe thấy tiếng súng nổ. Tôi thấy tia lửa và nghe thấy tiếng nổ. Chúng tôi tới gần đám đông. Họ gồm có bốn sĩ quan và trước họ có một người đang bị hai hiến binh giữ. Vài người khác cũng bị hiến binh canh phòng. Bốn hiến binh khác võ trang bằng cac bin đang hộ vệ những thẩm phán quân sự. Họ là những hiến binh đội mũ rộng vành. Hai tên khi nãy đã tóm tôi, đẩy tôi vào với nhóm người đang chờ bị tra hỏi. Tôi nhìn một người đang bị các sĩ quan hỏi cung. Ông ấy là viên trung tá mập mạp có mái tóc muối tiêu mà khi nãy bị bắt trong đoàn quân. Những thẩm phán này đã đủ nhiệt tình, sự lạnh lùng và lòng dũng đảm của dân tộc Ý để giết người mà không sợ trả thù.
- Ông ở lữ đoàn nào?
Ông ấy trả lời họ.
- Trung đoàn nào?
Ông ấy trả lời.
- Tại sao ông không theo trung đoàn của ông?
Ông ấy trả lời.
- Ông có biết rằng một viên sĩ quan luôn luôn phải có mặt trong quân đội của mình không?
Ông ấy có biết.
Chỉ có thế thôi. Một viên sĩ quan khác nói:
- Chính ông và những kẻ giống như ông đã để cho quân dã man dày xéo phần đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
- Xin ông thứ lỗi cho – viên trung tá nói.
- Vì có những hành động phản bội như của ông nên chúng ta đã mất biết bao nhiêu thành quả của chiến thắng.
- Chắc các ông không bao giờ rút lui cả? – viên trung tá hỏi.
- Nước Ý sẽ không bao giờ chịu rút lui.
Chúng tôi trầm người dưới mưa và nghe như thế. Chúng tôi đứng đối diện với các viên sĩ quan còn tội nhân đứng trước mặt họ hơi né sang bên cạnh so với chúng tôi.
- Nếu các ông muốn xử bắn tôi – viên trung tá nói – thì cứ việc đem ra bắn ngay đi đừng tra hỏi gì thêm cả.
Ông làm dấu thánh giá. Các viên sĩ quan tham khảo với nhau trong khi một sĩ quan khác viết điều gì đó lên thếp giấy.
- Tội đào ngũ. Kết án tử hình – viên sĩ quan nói.
Hai hiến binh lôi viên trung tá ra bờ sông. Ông lầm lũi đi dưới trời mưa, lom khom, đầu không mũ với hai tên lính kèm sát hai bên. Tôi không nhìn thấy cảnh xử bắn nhưng nghe thấy tiếng súng nổ. Họ hỏi một người khác. Cũng là một sĩ quan bỏ hàng ngũ. Ông ta không được phép trình bày một lời nào cả. Ông ta oà lên khóc khi nghe họ đọc bản án tử hình. Khi người ta bắn ông và hỏi tiếp người khác, tôi tự hỏi không biết tôi có nên đợi đến phiên phải bị xét hỏi hay tốt hơn tự giải quyết một việc gì ngay lập tức. Tất nhiên họ cho tôi là một tên Đức trong bộ đồng phục Ý. Trong khi họ thi hành nhiệm vụ, tôi thấy tinh thần làm việc của họ ra sao rồi.
Họ trẻ tuổi và làm việc để bảo vệ quê hương họ. Họ lập lại một đạo quân nữa ở phía sau con sông Tagliamento. Họ xử tử tất cả các sĩ quan cao cấp đào ngũ. Họ cũng sơ bộ tạm thời phụ trách những phần tử phá họai người Đức trong bộ đồng phục Ý nữa. Các viên sĩ quan này đều đội mũ sắt. Chỉ có tôi và Piani đội mũ sắt và một vài hiến binh cũng đội mũ sắt mà thôi. Còn tất cả những hiến binh khác đầu đội mũ rộng vành. Vì vậy chúng tôi gọi họ là “phi cơ”. Chúng tôi đứng chờ đợi dưới mưa và bị lôi ra điều tra từng người một rồi bị xử bắn. Những thẩm phán có một thái độ lãnh đạm tận tuỵ, xét xử nghiêm khắc đối với những người gần kề cái chết mà họ chẳng mảy may cho là nguy hiểm. Họ đang hỏi một thiếu tá bộ binh. Ba sĩ quan khác cũng vừa thêm vào nhóm chúng tôi. Lữ đoàn của ông đâu?
Tôi quay nhìn bọn hiến binh. Chúng xem xét những người mới đến. Những tên khác đang nhìn ông thiếu tá. Tôi bèn khom mình xuống, xô hai người, cắm đầu chạy ra sông. Tôi vấp phải bờ sông và lao xuống nước đến tòm một cái. Nước sông lạnh vô cùng nhưng tôi cố ngâm mình dưới nước. Tôi gặp dòng nước xoáy và tôi cố ngâm mình dưới nước cho đến khi có cảm tưởng không thể trồi lên được nữa Vừa nổi lên, tôi hít một hơi thật dài rồi lại hụp xuống nữa. Tôi bơi dễ dàng với quần áo và giày ủng. Khi trồi lên mặt nước lần thứ hai, tôi thấy một khúc gỗ trôi trước mặt tôi. Tôi nắm và bíu lấy nó bằng một tay. Tôi giấu đầu sau đó chẳng buồn nhìn lên nữa. Tôi không buồn nhìn lên cả bờ sông. Họ đã nã súng khi tôi chạy và lúc tôi trồi đầu lên khỏi mặt nước. Bây giờ họ không bắn nữa. Khúc gỗ xoáy theo dòng nước, tôi bám lấy nó bằng một tay và nhìn vào bờ sông. Bờ dường như trôi rất nhanh. Dòng nước có nhiều củi gỗ. Nước sông lạnh buốt. Tôi lướt qua những cụm lau trên một hòn đảo. Hai tay tôi bám chặt lấy khúc gỗ và phó mặc cho nó trôi đi. Bờ sông đã xa khỏi tầm mắt.
Lời giới thiệu
Phần dẫn 1
Phần dẫn 2
Chương : 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15
Chương : 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30
Đoạn kết