Giã từ vũ khí
Tác giả : Ernest Hemingway
Thể loại : Truyện kinh dị
Nguồn : Truyen.blogspot.com
Quốc gia : Mỹ
Blog : Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay
Người đăng : Hồ Vũ Tuấn Anh
Ngày đăng : 21/12/2010
Trời sang thu. Cây cối trơ trụi lá và đường xá lầy bùn. Từ Udine tôi đi xe ôtô đến Gorizia. Chúng tôi gặp những xe khác trên đường. Tôi nhìn cảnh vật hai bên. Những cây dâu trơ trụi lá, cánh đồng ngả màu nâu. Những chiếc lá úa rụng từ những hàng cây xơ xác rơi xuống mặt đường có nhiều người đang làm việc. Họ lấy đá chất đống cao bên đường giữa các hàng cây để lấp ổ gà. Chúng tôi thấy thành phố phủ một lớp sương mù che lấp cả núi. Chúng tôi qua sông, nước sông dâng cao. Trên núi trời đã mưa mấy ngày qua. Chúng tôi đi vào thành phố, trước tiên qua mấy xưởng máy, nhà cửa và biệt thự, tôi thấy có thêm nhiều nhà bị trúng bom trên con đường hẹp. Chúng tôi gặp một chiếc xe Hồng thập tự Anh. Người lái xe đội mũ lưỡi trai, khuôn mặt gầy gầy, nước da màu đồng…Tôi không quen hắn. Tôi bước xuống xe ở quảng trường lớn trước toà Đô chính. Người lái xe trao ba lô cho tôi. Tôi khoác ba lô trên lưng, treo lủng lẳng hai chiếc túi bên hông và đi vào toà biệt thự. Tôi không cảm thấy như người đi xa mới được trở về nhà.
Tôi đi theo con đường trải sỏi ướt, vừa đi vừa nhìn toà biệt thự qua hàng cây. Các cửa sổ đều đóng kín, chỉ chừa cửa lớn còn mở. Tôi bước vào, thấy viên thiếu tá đang ngồi ở bàn viết trong một phòng trống, trên tường treo la liệt các bản đồ và các tờ giấy đánh máy.
- Thế nào, khoẻ chứ? – ông hỏi. Trông ông có vẻ già và khô khan hơn trước.
- Tôi khoẻ ạ - tôi đáp – Còn mọi việc ở đây ra sao?
- Xong cả. Bỏ hành lý ra đi và ngồi xuống đây – ông nói.
Tôi bỏ ba lô và hai chiếc túi dết xuống sàn nhà, đặt chiếc mũ lên trên ba lô. Tôi kéo chiếc ghế ở gần tường và ngồi xuống bên cạnh bàn viết.
- Mùa hè bị thất bại – ông nói – Còn anh giờ mạnh hẳn rồi chứ?
- Vâng ạ.
- Anh được thăng chức chứ?
- Vâng, cám ơn ông.
- Đâu, đưa tôi xem.
Tôi mở áo choàng đưa cho ông xem hai cái tua.
- Thế anh có nhận được huy chương không?
- Không, chỉ thấy trên giấy tờ thôi.
- Thế thì nó sẽ đến sau. Việc đó đòi hỏi nhiều thì giờ.
- Bây giờ tôi phải làm gì đây?
- Mấy chiếc xe đi hết. Có sáu chiếc đi lên hướng Bắc, Caporetto. Anh biết Caporetto chứ?
- Vâng – tôi đáp.
Tôi nhớ ra hình ảnh một thành phố nhỏ màu trắng với một gác chuông nằm trong thung lũng. Thành phố tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, có rất nhiều vòi nước phun rất đẹp ở quảng trường.
- Bây giờ chúng ta làm việc ở đó đấy. Có rất nhiều bệnh nhân. Chíến cuộc đã tàn rồi.
- Thế còn những chiếc xe kia đi đâu?
- Hai chiếc đi lên núi, còn bốn chiếc ở Bainsizza, còn hai chiếc Hồng thập tự kia thì ở Carso với tiểu đoàn ba.
- Thế bây giờ thiếu tá cần tôi làm gì?
- Nếu thích, anh có thể phụ trách bốn chiếc xe ở Bainsizza. Gino đã lên đó khá lâu. Anh chưa bao giờ đi đến đó phải không?
- Chưa.
- Tệ lắm. Chúng ta mất ba chiếc xe.
- Tôi có nghe nói.
- À, chắc Rinaldi viết cho anh.
- Thế Rinaldi đang ở đâu?
- Hắn đang ở đây, trong bệnh viện này. Hắn phải ở hết mùa hè và mùa thu.
- Tôi cũng tin là thế.
- Thật là kinh khủng. Anh không thể tưởng tượng được. Tôi thường cho là anh rất may mắn khi bị thương ngay từ đầu.
- Tôi biết thế.
- Sang năm còn tệ nữa – thiếu tá nói – không chừng họ sẽ tấn công bây giờ. Người ta nói là bọn chúng sắp tấn công, nhưng tôi không tin thế. Đã muộn rồi. Anh có thấy con sông kia không?
- Có ạ, nước sông đã dâng cao.
- Tôi không tin họ sẽ tấn công vì bây giờ mùa mưa bắt đầu, và lại sắp có tuyết. Mà này, kể chuyện các bạn đồng hương của anh đi. Ngoài anh có người Mỹ nào ở đó nữa không?
- Họ đang huấn luyện một đạo quân mười ngàn người.
- Tôi hy vọng sẽ nhận được thêm một số nữa, nhưng rồi tụi Pháp sẽ cuỗm hết. Chúng ta sẽ không còn thấy người nào ở đây nữa. Thôi được rồi, anh ở lại đây đêm nay. Ngày mai anh lấy xe nhỏ này đi đến đó và cho Gino về. Tôi sẽ cho người đi theo anh để chỉ đường. Gino sẽ nói cho anh. Anh sẽ thích thú ở Bainsizza.
- Thưa thiếu tá, tôi rất hân hạnh được trở lại với thiếu tá.
Ông mỉm cười.
- Cám ơn anh đã nói thế. Tôi đã chán ngán cuộc chiến tranh này lắm rồi. Nếu tôi ra đi thì tôi không tin rằng tôi sẽ trở về được nữa.
- Tệ đến thế cơ à?
- Phải, từ tệ biến thành nguy ngập. Thôi anh hãy đi tắm rửa và gặp anh bạn Rinaldi của anh đi.
Tôi bước ra và mang theo hành lý lên lầu. Rinaldi không có trong phòng, nhưng mọi thức của cậu ta để đó. Tôi ngồi trên giường và tháo bít tất ra. Tôi cởi chiếc giày bên phải và ngả lưng xuống giường. Tôi thấy mỏi mệt và chân phải bị đau. Nằm trên giường với một chân mang giày, trông tôi lúc đó buồn cười quá. Tôi bèn trỗi dậy tháo luôn chiếc kia và để nó rớt xuống đất. Sau đó tôi nằm trở lại trên giường. Gian phòng ngột ngạt vì cửa sổ đóng kín mít nhưng tôi quá mệt mỏi đến độ không muốn đứng dậy mở cửa. Tôi nhìn thấy hành lý của tôi bỏ một đống trong góc phòng. Bên ngoài trời đã bắt đầu tối. Nằm trên giường tôi nghĩ đến Catherine và chờ đợi Rinaldi. Tôi cố gắng không nghĩ đến Catherine chỉ trừ về đêm trước khi tôi ngủ. Nhưng giờ đây tôi đang mệt và rỗi rãi nên tôi có thể nghĩ đến nàng. Tôi đang mơ tưởng đến nàng thì Rinaldi bước vào. Cậu ta không thay đổi nhưng có vẻ gầy đi một tí.
- Thế nào em bé – Cậu ta bảo. Tôi nhổm dậy. Anh đến ngồi bên giường và choàng tay qua người tôi.
- Em bé yêu – Anh vỗ vai tôi và tôi nắm lấy hai tay anh.
- Này cưng – anh nói – Đưa đầu gối cho tớ xem nào.
- Tôi phải cởi quần mới được.
- Cứ tự nhiên đi, chỗ bạn bè với nhau cả mà. Tớ muốn xem người ta đã làm những gì cho cậu.
Tôi đứng lên cởi quần và gỡ giây treo đầu gối xuống. Rinaldi ngồi xổm trên sàn nhà và nhẹ nhàng uốn chân tôi từ đàng trước ra đàng sau. Anh đưa ngón tay xoa lên vết sẹo và để mấy ngón kia lên xương bánh chè và xoa nhè nhẹ.
- Người ta nối các khớp xương cậu lại như thế này thôi ư?
- Ừ.
- Giờ cậu trở lại như thế này là phạm tội đấy nhé. Họ phải chờ cho cử động trở lại bình thường đã.
- Bây giờ đã khá hơn trước nhiều lắm. Lúc trước đầu gối tôi cứng như khúc cây.
Rinaldi lại uốn đầu gối tôi xuống lần nữa. Tôi ngắm đôi tay của anh, anh có đôi tay thần tình của nhà giải phẫu. Tôi nhìn trên đầu anh, mái tóc chải mượt và tươm tất. Anh uốn quá mạnh đầu gối tôi.
- Ái! – tôi la lên.
- Cậu phải theo cách chữa trị bằng máy một thời gian nữa – Rinaldi bảo.
- Thế này trông còn khá hơn trước.
- Tôi biết mà em. Tớ biết nhiều về việc này hơn cậu mà – Rinaldi đứng dậy ngồi lại trên giường – Chính đầu gối thì làm rất dễ - Anh bỏ qua chuyện đầu gối – Nào, hãy kể cho tớ nghe em đã làm được những gì nào?
- Không có gì để kể hết. Mình đã sống một cuộc đời trầm lặng.
- Em có vẻ như người đã có vợ rồi. Có chuyện gì thế?
- Không có chuyện gì cả. – Tôi đáp – Thế còn anh?
- Tớ ấy à? Trận giặc này giết chết mình rồi – Rinaldi bảo – chán quá! – Anh choàng tay qua đầu gối.
- Ồ - tôi bảo.
- Thế nào? Tôi không được phép có những rung động của con người hay sao?
- Không phải. Mình ngỡ là cậu vui vẻ lắm. Có chuyện gì hãy kể cho mình nghe đi.
- Suốt mùa hè và mùa thu này mình bận việc giải phẫu. Rất bận. Những trường hợp nghiêm trọng người ta đều để lại cho mình. Chúa ơi, mình trở thành một nhà giải phẫu cừ khôi.
- Tôi thích như thế hơn.
- Tôi chẳng bao giờ nghĩ tới. Ôi Chúa ơi, tôi chẳng bao giờ nghĩ là mình mổ xẻ rất cừ.
- Rất tốt.
- Nhưng bây giờ em ơi, hết rồi. Mình không còn mổ xẻ nữa và cảm thấy như chết rồi. Cuộc chiến tranh này ghê gớm quá em ạ. Mình nói như vậy cậu có thể tin. Nào bây giờ em nói chuyện cho vui lên một tí đi. Em có mang đĩa hát về không nào?
- Có.
Đĩa hát bọc giấy, để trong bìa hộp các tông trong ba lô. Lấy nó ra cũng mệt.
- Còn về phần em, cũng không hay à?
- Ồ, ngốc ạ, không.
- Chiến tranh này thật là khủng khiếp – Rinaldi bảo – Nào chúng ta đi nhậu cho thật say, cho vui. Cậu sẽ thấy nó làm cho chúng ta phấn chấn.
- Tớ vừa mới mắc bệnh hoàng đản cho nên không uống nhiều rượu được.
- Ồ em bé, em trở lại đây với một con người nghiêm trang ý tứ thế kia à? Mình đã bảo cậu là cuộc chiến tranh này vô nghĩa. Thế sao chúng ta lại phải đeo đuổi nó chứ?
- Chúng ta sẽ uống một tí. Mình không muốn say nhưng sẽ uống một ly.
Rinaldi đi qua phòng đến bên bàn rửa mặt và quay lại với một chai cô nhắc và hai cái ly.
- Rượu cô nhắc Áo đấy – anh nói – Nhãn hiệu với bảy ngôi sao. Toàn bộ chiến lợi phẩm lấy được ở San Gabrielle đấy.
- Lúc đó anh có ở đấy không?
- Không, mình không hề ở đấy. Lúc đó mình ở đây để mổ xẻ suốt. Này em xem, đây là cái ly đánh răng cũ của em đấy. Anh giữ kỹ để tưởng nhớ đến em.
- Và nhắc nhở anh đánh răng.
- Không, mình cũng có một cái nữa mà. Mình giữ cái này để nhớ lúc trước mỗi buổi sáng em làm gì. Cứ mỗi lần nhìn tới cái ly này, mình nhớ tới chuyện em cố tẩy sạch lương tâm bằng cái bàn chải – Anh lại gần giường – Hôn mình một cái đi nào và cam đoan với mình là em không hề đạo mạo.
- Không mình không bao giờ hôn cậu. Cậu là một con khỉ già.
- Tớ biết mà, cậu là loại Anglo Saxon lý tưởng. Tớ biết cậu là thằng con trai đang bị lương tâm cắn rứt, hối hận. Mình đợi đến lúc tên Anglo Saxon đó đánh tan sự truỵ lạc của mình bằng một cái bàn chải đánh răng.
- Rót thêm rượu vào ly nữa đi.
Chúng tôi cụng ly và uống cạn. Rinaldi nhìn tôi cười.
- Tớ sẽ làm cho cậu say, móc lá gan của cậu ra và cho vào đó lá gan của một người Ý mạnh khoẻ rồi biến cậu trở thành con người như cũ.
Tôi đưa ly cho anh rót thêm rượu. Bên ngoài trời đã tối hẳn. Cầm ly rượu trong tay, tôi tiến lại mở cửa sổ. Trời đã tạnh mưa. Bên ngoài trời lạnh hơn và sương mù bao phủ các ngọn cây.
- Đừng hất rượu cô nhắc qua cửa sổ đấy – Rianaldi bảo – Cậu không uống được thì đưa cho tớ.
- Đến mà lấy – tôi bảo.
Tôi vui mừng được gặp lại Rinaldi. Hai năm nay cậu ta luôn luôn chọc ghẹo tôi và tôi lấy thế làm thích. Chúng tôi luôn luôn hợp ý nhau.
- Em đã lấy vợ chưa? – anh hỏi tôi.
Rinaldi ngồi trên giường, còn tôi đứng dựa lưng vào tường cạnh cửa sổ.
- Chưa.
- Cậu đang yêu phải không?
- Phải.
- Với cô gái người Anh đó chứ?
- Phải.
- Tội nghiệp em nhỏ, thế nàng có ngoan ngoãn với em không?
- Dĩ nhiên là có.
- Mình muốn nói là nàng có ngoan ngoãn một cách…một cách cụ thể hơn cơ.
- Im đi.
- Được rồi, mình sẽ chứng tỏ cho cậu biết mình là một người rất tế nhị, thế nàng có…
- Rinaldi, tôi van anh hãy im đi. Nếu anh muốn trở thành bạn của tôi thì anh hãy im đi.
- Mình không muốn trở thành bạn của cậu, vì mình đang là bạn của cậu kia mà?
- Vậy thì hãy im đi.
- Được rồi.
Tôi tiến lại giường ngồi bên cạnh Rinaldi. Ly cầm ở tay, hắn nhìn sàn nhà.
- Rinaldi, anh thấy như thế nào?
- Ồ, suốt đời mình gặp nhiều vấn đề thiêng liêng nhưng với em thì quá ít. Mình nghĩ cậu cũng phải có – Anh nhìn xuống sàn nhà.
- Thế em không có chuyện gì thiêng liêng sao?
- Không.
- Tuyệt nhiên một chuyện nào hết cả ư?
- Không.
- Ngay cả chuyện mẹ em và em gái em nữa ư?
- Ngay cả chuyện em gái em – Rinaldi nói nhanh. Hai chúng tôi phá lên cười.
- Thực là một con người kỳ dị - tôi bảo.
- Có lẽ mình ghen cũng nên – Rianaldi nói.
- Không, không phải thế.
- Mình không muốn nói đến loại ghen thế. Mình muốn nói chuyện khác. Cậu có người bạn nào lập gia đình rồi không?
- Có – tôi đáp.
- Mình thì không. Nhất là khi họ yêu nhau.
- Tại sao thế?
- Vì thế họ không yêu mình.
- Tại sao vậy?
- Tại vì mình là con rắn, con rắn của lẽ phải.
- Anh nhầm lẫn mất rồi. Quả táo mới là lẽ phải.
- Không, chính là rắn.
Trông Rinaldi có vẻ vui hơn.
- Khi anh không suy nghĩ sâu xa thì trông anh có vẻ khá hơn.
- Anh thích em lắm, em bé ạ. Nếu anh xét đóan chắc là em sẽ công kích. Nhưng mình biết nhiều điều mà mình không thể nói ra được. Anh biết nhiều hơn em mà.
- Phải, dĩ nhiên là như vậy.
- Nhưng em sẽ hạnh phúc hơn, cho dù có hối hận em cũng sẽ hạnh phúc hơn.
Nhưng tôi không tin thế.
- Ồ đúng mà. Đúng là sự thật mà. Còn mình, mình chỉ tìm thấy hạnh phúc khi làm việc – Anh lại nhìn xuống sàn nhà.
- Anh sẽ được toại nguyện.
- Không, mình chỉ thích có hai điều. Một, có hại cho nhiệm vụ của mình, còn một nữa thì chỉ kéo dài độ nửa giờ hoặc mười lăm phút, đôi khi ít hơn.
- Đôi khi còn ít hơn thế nữa.
- Có lẽ anh đã tiến bộ nhiều rồi đấy, em bé không biết à. Nhưng chỉ có hai điều đó và công việc.
- Rồi anh sẽ thấy những cái khác nữa.
- Không, không bao giờ chúng ta thấy gì khác hơn được nữa. Chúng ta sinh ra với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta không bao giờ thay đổi cả. Chúng ta không bao giờ được thêm cái gì mới cả. Chúng ta đã được đầy đủ ngay từ lúc đầu. Mình thích mình không phải là người La tinh.
- Điều đó không có ở người La tinh. Tôi muốn nói là tư tưởng La tinh. Anh lại quá tự hào với các khuyết điểm của anh.
Rinaldi nhìn lên và mỉm cười.
- Đủ rồi em bé, nghĩ nhiều quá phát mệt.
Lúc mới bước vào trông Rinaldi có vẻ mệt mỏi.
- Sắp đến giờ ăn rồi. Mình rất vui khi thấy cậu trở lại. Cậu là người bạn chí thân và là chiến hữu của mình.
- Bao giờ thì các chiến hữu đi ăn? – tôi hỏi.
- Ngay bây giờ. Chúng ta sẽ uống thêm một lần nữa để cho lá gan của em mạnh lên.
- Giống như thánh Paul.
- Không đúng thế. Đấy là rượu và dạ dày. Uống một it rượu cho ấm dạ dày.
- Uống bất cứ thứ gì anh có trong chai – tôi nói – và vì điều tốt lành cho bất cứ ai mà anh muốn.
- Uống để chúc mừng người bạn đời của cậu – anh nâng ly lên.
- Được lắm.
- Mình không bao giờ nói chuyện nhảm nhí về nàng.
- Đừng quá cố sức như thế.
Anh nốc cạn ly cô nhắc.
- Mình trong sạch lắm, trong sạch như em vậy. Mình cũng sẽ tìm một cô gái trẻ người Anh. Sự thực là mình biết cô ta trước em, cô gái người Anh ấy mà, chỉ có một điều là cô ta hơi cao hơn mình một tí. Một cô gái cao hơn mình thì khác gì là chị mình.
- Tâm hồn anh thật trong sạch đáng mến – tôi nói.
- Thật như vậy à? Thảo nào mà người ta gọi mình là “Rinaldi trong sạch”.
- Hay là “Rinaldi khỉ già”…
- Thôi đi em. Chúng ta hãy đi ăn vào lúc tâm hồn còn trong sạch.
Tôi tắm rửa, chải đầu rồi chúng tôi cùng đi xuống cầu thang. Rinaldi hơi chếnh choáng. Trong phòng ăn, bữa ăn còn chưa dọn xong.
- Để mình đi lấy chai rượu – Rinaldi nói.
Rinaldi lại lên cầu thang. Tôi ngồi vào bàn. Anh trở lại với chai cô nhắc và rót đầy hai ly.
- Nhiều quá – tôi đưa ly lên soi về phía ánh đèn trên bàn.
- Có thấm vào đâu với cái bụng trống rỗng. Tuyệt lắm. Như thế này dạ dày sẽ hoàn toàn bị đốt cháy. Không có gì hại cho gan cả.
- Được rồi.
- Tự huỷ hoại mình mỗi ngày một ít – Rinaldi nói – rượu sẽ làm hại dạ dày và run tay. Toàn là những việc có hại cho nghề giải phẫu.
- Anh đoan chắc như thế chứ?
- Chắc chắn như vậy. Mình không nói sai đâu. Uống đi em rồi chờ ngày bị ốm.
Tôi uống nửa ly. Ngoài hành lang tôi nghe thấy tiếng người hầu bàn kêu lên:
- Xúp đây. Xúp dọn sẵn rồi.
Thiếu tá bước vào, gật đầu chào chúng tôi và ngồi xuống. Ngồi vào bàn, trông ông ta nhỏ người.
- Có thế thôi hả? – ông ta hỏi.
Người phục vụ đặt xúp lên bàn. Ông múc đầy ra đĩa.
- Không – Rinaldi bảo – Miễn là cha tuyên uý không đến. Nếu ông ta biết có Federico ở đây, ông ta sẽ đến.
- Thế ông ấy ở đâu? – tôi hỏi.
- Ông ấy ở tiểu đoàn 307 – thiếu tá nói. Ông dùng xúp xong và lau miệng, lau kỹ bộ ria mép vểnh lên.
- Có lẽ cha sắp đến. Tôi đã gọi điện và báo cho cha biết là có anh ở đây.
- Tôi thấy thiếu không khí ỗn ào của buổi ăn chung – tôi nói.
- Phải, yên lặng quá – thiếu tá bảo.
- Để tôi gây ồn ào cho – Rinaldi nói.
- Dùng rượu chứ Henry? – thiếu tá hỏi.
Ông ta rót đầy ly cho tôi. Món mì Ý được mang vào và tất cả chúng tôi đều bận rộn với món ăn này một lát. Chúng tôi ăn xong mì thì cha bước vào. Ông trông không thay đổi, vẫn người nho nhỏ, nước da sạm nắng và khuôn mặt khắc khổ. Tôi đứng dậy siết chặt tay tôi. Ông để tay lên vai tôi và nói:
- Tôi đến ngay khi hay tin anh trở lại…
- Mời cha ngồi – thiếu tá nói – Cha đến hơi muộn.
- Chào cha – Rinaldi nói bằng tiếng Anh. Hắn nói giọng pha tiếng Anh của viên đại uý đã thường dùng để chế giễu vị linh mục.
- Chào anh, Rinaldi – cha tuyên uý đáp lại.
Lính hầu bàn mang xúp đến cho ông nhưng ông bảo ông sẽ bắt đầu bằng món mì Ý này.
- Anh mạnh giỏi chứ? – ông hỏi tôi.
- Vâng, tôi rất khoẻ. Còn cha?
- Cha uống rượu đi – Rinaldi bảo – Cha uống một tí rượu cho dạ dày dễ làm việc, đây là thánh Paul, cha biết mà.
- Phải tôi biết – vị linh mục nói với vẻ trịnh trọng. Rinaldi rót rượu vào ly.
- Thánh Paul thiêng liêng – Rinaldi nói – Chính từ thánh xảy ra mọi điều xấu xa.
Viên thiếu tá mỉm cười. Bây giờ chúng tôi đang dùng đến món ragu.
- Tôi không bao giờ dám bàn luận đến một ông thánh lúc tối trời – tôi nói.
Vị linh mục nhìn tôi mỉm cười.
- Xem tôi đây, tôi đang ngồi cạnh cha đây – Rinaldi nói – Còn những người bạn đã từng chọc phá cha đâu cả rồi. Brundi đâu? Cesare đâu? Để một mình tôi trêu ghẹo cha thôi à, không có ai phụ hoạ với tôi sao?
- Cha là một vị linh mục tốt – thiếu tá nói.
- Cha là một vị linh mục tốt – Rinaldi lặp lại – Nhưng cha vẫn là một vị linh mục, không hơn không kém. Tôi ráng làm cho bữa ăn chung hôm nay sống động trở lại như những bữa ăn trước kia. Tôi muốn làm cho Federico vui thích. Còn cha, cha hãy cút đi là vừa.
Tôi thấy thiếu tá nhìn hắn và hiểu rằng hắn đã say. Mặt anh tái đi, đường ngôi rẽ thẳng xuống vầng trán trắng xanh.
- Thế đủ rồi – vị linh mục bảo – thế đủ lắm rồi Rinaldi, hãy thôi đi.
- Cha hãy cút đi – Rinaldi bảo – Cha hãy cút đi với tất cả các công việc vớ vẩn. – Anh ngả xuống ghế.
- Hắn ta làm việc quá sức và mệt mỏi – thiếu tá nói với tôi. Ông dùng xong miếng thịt cuối cùng và dùng một mẩu bánh mì vét sạch nước sốt ragu.
- Tôi không cần gì cả - Rinaldi nói – Hãy cút đi với tất cả các công việc vớ vẩn – Anh nhìn quanh bàn ăn với vẻ mặt thách đố, mắt long lên và gương mặt xám ngoét.
- Được rồi – tôi bảo – Cút đi với tất cả các công việc ngớ ngẩn.
- Không, không – Rinaldi bảo – Em không thể nói thế. Em không nên nói thế. Tôi bảo là anh không nên nói như thế mà. Người ta khô khan, trống rỗng và không có gì cả. Không có gì để kể với anh cả. Không có việc gì nhỏ nhen chê trách cả. Tôi biết, tôi am tường khi tôi ngưng làm việc.
Cha tuyên uý lắc đầu. Người phục vụ dọn đĩa ra gu.
- Cha ăn thịt đấy ư? – Rinaldi quay sang vị linh mục – Cha không biết hôm nay là ngày thứ sáu sao?
- Thứ năm mà – vị linh mục trả lời.
Rinaldi cười lớn. Hắn rót rượu đầy ly.
- Đừng chú ý – anh nói – tôi hơi điên.
- Anh cần phải được đi nghỉ phép – cha tuyên uý bảo.
Thiếu tá lắc đầu ra hiệu cho cha tuyên uý. Rinaldi nhìn ông:
- Ông cho rằng tôi phải đi nghỉ phép à?
- Tuỳ ý anh – vị linh mục nói – Còn anh không muốn thì thôi.
- Ông xéo đi – Rinaldi nói – Họ cố tình gạt tôi ra mà. Nhưng tôi phải kháng cự.
- Thế đủ rồi – thiếu tá nghiêm nghị ngắt lời.
Người hầu bàn mang đồ tráng miệng và cà phê vào. Món tráng miệng là bánh mì nướng có trét kem. Ngọn đèn dầu bốc khói, khói đen bốc thẳng lên cửa kính.
- Mang cho chúng tôi hai ngọn bạch lạp và dẹp cây đèn dầu này đi – viên thiếu tá bảo.
Người hầu bàn đem đến hai ngọn nến đặt trên hai cái đĩa, tắt ngọn đèn dầu rồi mang đi nơi khác. Rinaldi đã im và trông anh có vẻ bình thường. Chúng tôi tiếp tục cùng nhau chuyện trò và sau tuần cà phê, tất cả đều rời khỏi phòng ăn và đi ra hành lang.
- Anh muốn nói chuyện với cha chứ? Tôi phải vào thành phố - Rinaldi bảo – Chào cha.
- Chào anh Rinaldi – cha tuyên uý đáp lại.
- Chúng mình sẽ gặp lại nhau Federico – Rinaldi bảo.
- Vâng chào anh – tôi nói – Đừng về muộn nhé.
Anh ta nhăn mặt và bước ra khỏi cửa. Thiếu tá đứng gần chúng tôi nói:
- Rinaldi làm việc quá sức và quá mệt mỏi. Thôi chào anh, Henry, anh sẽ rời khỏi nơi này trước khi trời sáng chứ?
- Thưa vâng.
- Thôi chào anh – ông nói – Chúc anh gặp nhiều may mắn. Peduzzi sẽ đánh thức anh và cùng đi với anh.
- Xin chào thiếu tá.
- Chào anh. Nghe nói sắp có một cuộc tấn công của bọn Áo, nhưng tôi không tin điều đó. Hy vọng là tin đó không đúng. Nhưng dù thế nào cũng sẽ không xảy ra trong khu vực này. Gino sẽ cho anh biết mọi thứ. Đường giây điện thoại đến giờ vẫn tốt.
- Tôi sẽ gọi điện thoại thường xuyên.
- Xin vui lòng làm vậy, chào anh. Đừng để cho Rinaldi uống nhiều rượu mạnh nhé.
- Tôi sẽ cố gắng.
- Chào cha.
- Chào thiếu tá.
Ông đi vào phòng làm việc.
Lời giới thiệu
Phần dẫn 1
Phần dẫn 2
Chương : 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15
Chương : 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30
Đoạn kết